Ngân hàng Techcombank: Nỗi lo bên ngoài vẻ hào nhoáng

DOANH NHÂN VIỆT NAM 15:13 18/09/2020

Với loạt bài này, trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu từ nợ xấu và tình hình kinh doanh của nhà băng này từ đầu năm đến nay.

Là một trong những ngân hàng TMCP đang ở vị trí dẫn đầu trong khối các ngân hàng Việt, tuy nhiên, Techcombank vẫn còn đó những nỗi lo mà nhiều nhà đầu tư chưa biết đến.

Doanh nhân Việt Nam xin được điểm lại những mặt lợi, mặt hại để từ đó các nhà đầu tư có thể nắm được và quyết định việc đầu tư của mình vào ngân hàng này hay không.

Nửa đầu năm 2020, Techcombank (HoSE: TCB) ghi nhận lãi trước thuế 6.737 tỷ đồng, cao hơn 19% so với cùng kỳ 2019. Con số này thấp hơn mức tăng của lợi nhuận trước trích lập dự phòng là 34% với 7.948 tỷ đồng. Nguyên nhân do tốc độ tăng chi phí dự phòng tín dụng gấp 5 lần cùng kỳ, ở mức 1.211 tỷ đồng.

Cùng với thay đổi trên, nợ xấu thấp hơn 32% so với đầu năm, ở mức 2.100 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 1.600 tỷ đồng, xuống 903 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,33% xuống 0,91%.

Tuy nhiên một điểm rất đáng quan tâm là, từ đầu năm đến nay, dự phòng rủi ro tín dụng bất ngờ tăng vọt cũng là lí do khiến lợi nhuận sau dự phòng của Techcombank giảm rất mạnh.

Báo cáo tài chính cho thấy, Techcombank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 772 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, xấp xỉ 4,6 lần so với mức trích lập 167,3 tỉ đồng trong cùng kỳ 2019.

Đây là lí do khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm còn 3.120,7 tỉ đồng.

Việc Techcombank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dễ mang đến hình dung là nợ xấu tại ngân hàng đang có diễn biến rất xấu.

Các chuyên gia phân tích của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận thấy những điểm đáng chú ý ở những con số này, bởi thông thường các ngân hàng chỉ tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu đang có xu hướng tăng lên.

Đáng chú ý theo đánh giá của BVSC, với tỉ lệ cho vay trong ngành khách sạn và nhà hàng chỉ chiếm 0,8% trên tổng dư nợ, tác động trong ngắn hạn của dịch COVID-19 tới chất lượng tín dụng tại Techcombank là khá thấp.

Hơn nữa, Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các tổ chức tín dụng có thể cơ cấu nợ vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các chuyên gia của BVSC nhận định, có thể thấy thực tế Techcombank không nhất thiết phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cuối năm 2019. Theo BVSC, việc Techcombank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được đánh giá là hành động thận trọng để tạo ra chiếc đệm giúp cho lợi nhuận của ngân hàng ổn định trong thời gian tới.

"Với mức tăng trích lập này, hệ số dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Techcombank tăng lên 118%" - BVSC nhìn nhận.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, ban lãnh đạo Techcombank đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, mặc dù nhiều hạng mục tài chính vẫn tăng trưởng đều trong diễn biến của dịch Covid-19.

Cụ thể, năm 2020, ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 431,48 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến đạt gần 291,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13% hoặc cao hơn trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Huy động vốn dự kiến đạt 268,82 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13%.

Đặc biệt, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 13.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Trái ngược với tình hình hình kinh doanh thì trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TCB của ngân hàng này lại không mấy khả quan.

Là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 4 chữ số 0 – với hơn 10.000 tỷ đồng trong 2018, tăng trưởng liên tục qua 6 năm, cổ phiếu TCB của Techcombank lại lao dốc trên sàn. Hiện tại, cổ phiếu TCB được giao dịch xoay quanh mức 21.000 – 22.000 đồng một cổ phiếu, thấp hơn 37% so với mức giá khi lên sàn.

Thực sự, giá cổ phiếu ngân hàng này chưa làm hài lòng các cổ đông.

Công ty chứng khoán BVSC từng có báo cáo về cổ phiếu TCB cũng như bày tỏ quan ngại khi tăng trưởng của ngân hàng vẫn đang xoay quanh chuỗi bất động sản với việc cho vay mua nhà, tư vấn phát hành trái phiếu. Khi thị trường bất động sản chững lại có thể khiến nhu cầu vay vốn không tăng trưởng mạnh, ảnh hưởng đến tín dụng của Techcombank.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, những doanh nghiệp/ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt nhưng cổ phiếu diễn biến thiếu tích cực xưa nay cũng không phải ít.

Kết quả kinh doanh phản ánh sức khoẻ của doanh nghiệp trong quá khứ, trong khi đó thị giá cổ phiếu phụ thuộc vào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu đó trong tương lai và cả những yếu tố khác tác động đến lĩnh vực hoạt động của họ.

Bài tiếp: Rủi ro cho vay Bất động sản ảnh hưởng đến tín dụng của Techcombank thế nào?

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Techcombank: Nỗi lo bên ngoài vẻ hào nhoáng tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức