“Bom nợ” 300 tỷ USD Evergrande là chủ đề được nhắc đến khá nhiều những ngày qua khi đây trở thành nỗi lo lớn với nguy cơ gây hệ lụy cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng sự sụp đổ của Evergrande không chỉ làm tổn thương kinh tế Trung Quốc mà còn khiến thị trường quốc tế vạ lây.
Theo Reuters, hai ngân hàng có thị phần lớn tại Trung Quốc, Hong Kong là HSBC và Standard Chartered có thể phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả lợi nhuận và bảng cân đối kế toán của họ vì cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande.
Liệu rằng hệ thống tài chính của Việt Nam có bị ảnh hưởng khi "bom nợ" này phát nổ? Và đây có phải là một bài học sát sườn cho việc quản lý dòng vốn vào các công ty bất động sản hiện nay?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng về cơ bản sự kiện này không có tác động gì đến hệ thống tài chính của Việt Nam.
Nếu có thì cũng không tác động nhiều, chủ yếu là ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán của Trung Quốc và quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia |
Theo ông, đối với Việt Nam, chủ yếu là tác động qua kênh tâm lý. Về lâu về dài có thể có một số tác động khác, ví dụ như Trung Quốc có thể tiếp tục kiểm soát việc phát triển đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và bất động sản. Từ đó tác động đến phục hồi kinh tế toàn cầu và gián tiếp ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.
Ông Lực cho rằng có thể Việt Nam cũng phải có tác động nhất định từ một số cơ quan quản lý để kiểm soát dòng vốn vào bất động sản, trong đó có cả câu chuyện trái phiếu.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần hết sức tỉnh táo, không vì những sự kiện như vậy mà siết chặt “quá thể” tín dụng và đầu tư vào bất động sản. Cần có đánh giá thực chất về tình hình tại Việt Nam để có biện pháp phù hợp chứ không nên theo những phong trào như vậy.
Trong chia sẻ gần đây, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng đồng tính với quan điểm của ông Lực. Ông cho rằng Việt Nam không cần lo lắng về việc xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc bởi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng bất động sản của Việt Nam còn nằm ở mức thấp và tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nếu như tăng trưởng tín dụng bất động sản vào năm 2018 là 26,16%, năm 2019 là 21% thì năm 2020 chỉ ở mức 11,89%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, số liệu tình hình kinh tế xã hội tại Hà Nội cho thấy tín dụng bất động sản là khoảng 114.000 tỷ đồng, giảm 0,3 điểm % so với cùng kỳ. Mức này đang chiếm 7,6% tổng dư nợ cho vay của thành phố là hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ trọng tại TP HCM hiện cũng đã giảm xuống mức 10,6%.
"Thị trường đã dần được kiểm soát nhưng vẫn là lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên mức tín dụng vào bất động sản đang trong tầm kiểm soát, NHNN sẽ tiếp tục đánh giá và theo dõi", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Theo kinh tế chứng khoán