Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng thiếu điện |
Phía Bắc “trống” dự án điện mới
Sau tình trạng mất điện trên diện rộng ở nhiều nơi trong thời gian gần đây, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi: Thực trạng này đã được dự liệu và lên phương án xử lý hay chưa?
Những ngày gần đây, một số địa phương trên cả nước diễn ra tình trạng mất điện tại nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân và doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Intops Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh) cho biết, mất điện xảy ra khi doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất khiến toàn bộ máy móc, thiết bị, sản phẩm đang sản xuất bị dừng lại đột ngột, dẫn tới toàn bộ sản phẩm bị lỗi, hỏng, gây thiệt hại khá lớn.
Trong khi đó, theo thống kê của Công ty TNHH Peony (Khu công nghiệp Vsip, Từ Sơn, Bắc Ninh), kể từ năm 2019 đến hết năm 2022, những sự cố liên quan đến việc mất điện đã làm doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1 triệu USD. Nhưng, hiện tình trạng thiếu điện có thể vẫn còn tiếp diễn.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, những cảnh báo về tình trạng thiếu điện ở phía Bắc đã được đưa ra từ nhiều năm trước. Nhưng do không có nguồn cung điện mới, việc phát triển nguồn điện thời gian qua chủ yếu là năng lượng tái tạo ở phía Nam, nhưng lại không đồng bộ lưới truyền tải… nên vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thiếu điện không những là nỗi lo của năm nay mà còn là vấn đề của những năm sau nữa. Nhiều năm qua, ở phía Bắc hầu như không có thêm dự án điện nào được đầu tư mới, trong khi theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung từ 3.000 - 4.500 MW mới. Quy hoạch Điện VIII đã chậm ban hành nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn, nên việc đầu tư triển khai 500 dự án truyền tải điện cũng đang bế tắc, càng khó để huy động nguồn điện từ phía Nam.
Một số dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII sửa đổi đã không được triển khai do nhiều địa phương không chấp nhận dự án nhiệt điện vào tỉnh mình, một số dự án khác lại bị khó khăn về vốn. Nhiều dự án điện khí LNG đã được bổ sung trong Quy hoạch điện VIII tới nay nhưng vẫn chưa xong bước chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ đạt tới công suất rất lớn, kế hoạch đến 7.000 MW vào năm 2030, cũng chưa được triển khai do vướng chính sách, ông Trần Viết Ngãi chia sẻ.
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thẳng thắn chỉ ra những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Cần chính sách “mở đường”
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dù nguyên nhân của tình trạng thiếu điện hiện nay là do nắng nóng và hạn hán, nhưng không phải không được dự báo trước. Chúng ta không có nguồn mới, không có nguồn dự phòng nên thời điểm này buộc phải huy động theo kiểu “giật gấu vá vai”, ăn đong, trong khi truyền tải điện dư thừa ở miền Trung và miền Nam ra Bắc gặp nhiều khó khăn. Những điều trên có thể dự đoán trước được. Quy hoạch điện VIII vừa mới được phê duyệt, trong khi đó nhiều dự án của Quy hoạch điện VII vẫn dở dang. Chúng ta đã đầu tư năng lượng tái tạo tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam, thì phải có giải pháp chuyển điện ra miền Bắc, nhưng hiện chưa giải quyết được bài toán này.
Ông Hà Đăng Sơn cho hay, cơ chế hiện đang gây khó khăn cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hiện tất cả các đầu tư cho tăng trưởng xanh thì nguồn vốn đầu tư công chỉ chiếm khoảng 20%. Theo ông Sơn, nếu chúng ta không có những cơ chế thiết thực và đủ mạnh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân thì mọi quy hoạch sẽ không có tính khả thi.
“Trong nền kinh tế thị trường, nên nhìn nhận sự thiếu hụt về điện là cơ hội kinh doanh - đầu tư, là cơ hội phát triển, chứ không phải là nút thắt kìm hãm sự phát triển. Chúng ta phải thay đổi cách thức làm chính sách, cách thức vận hành chính sách, cách thức xử lý vấn đề thì mới có thể giải quyết được bài toán thiếu điện, nếu không sẽ vẫn tiếp tục trì trệ như hiện nay”, ông Cung nói thêm.
Theo Thời báo Ngân hàng