Nhóm nào dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng mất việc làm vì Covid-19?

Theo The Leader 21:24 16/12/2021

Theo ADB, thanh niên và phụ nữ ở Đông Nam Á phải chịu gánh nặng từ tình trạng mất việc làm trong thời kỳ đại dịch do Covid-19.

--

Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy nhóm người trẻ trong độ tuổi 15 – 24 tuổi – vốn chiếm chưa đầy 15% lực lượng lao động tại Indonesia, Philippines và Việt Nam, hiện đã chiếm tới 45% những người mất việc làm trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh vào năm 2020.

Tại Thái Lan, phụ nữ chiếm tới 60% tổng số việc làm bị mất, bao gồm tới 90% trong lĩnh vực sản xuất chế tạo vào quý II/2020.

Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông, gây tổn hại tới lao động kỹ năng thấp cũng như lao động có trình độ trung bình – những người đang đứng trước rủi ro vì tự động hóa, hoặc bị chuyển đi nơi khác.

Theo đó, lao động phi chính thức, lao động tự do, lao động tạm thời và nhập cư là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, ông Ramesh Subramaniam, đánh giá, bất chấp những nỗ lực ứng phó chưa từng có của chính phủ, Covid-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng đáng kể về bảo trợ xã hội liên quan đến tình trạng lao động phi chính thức cao và dai dẳng trong toàn khu vực.

Đại dịch cũng là cơ hội cho các quốc gia khắc phục những lỗ hổng này, và mở rộng phạm vi bảo hiểm cho những người hưởng lợi mới, cũng như các nhóm đang bị loại trừ.

Khi quá trình phục hồi diễn ra, trọng tâm của chính sách tài khóa có thể chuyển mạnh hơn từ cứu trợ sang kích thích, và từ kích thích sang đầu tư cơ cấu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, ông nhấn mạnh.

Theo báo cáo, các nước tại Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong quý II/2020, khi chính phủ các nước áp dụng biện pháp ngăn chặn ở mức cao nhất.

Trong thời gian đó, cứ 5 công nhân ở Philippines thì có một người bị mất việc làm, hoặc rời bỏ lực lượng lao động. Khoảng 90% số lao động Việt Nam bị mất việc làm đã ngừng tìm việc mới, còn con số này ở Indonesia là 60% và Malaysia là 40%.

Trưởng ban Phát triển con người và xã hội khu vực Đông Nam Á của ADB, bà Ayako Inagaki, đánh giá đại dịch cùng nguy cơ tăng trưởng kinh tế trì trệ và bất bình đẳng gia tăng đã càng làm rõ sự cần thiết của chính sách tài khóa vượt ra ngoài vai trò phản chu kỳ, qua tăng cường đầu tư cho bảo trợ xã hội và cơ sở hạ tầng cho hoạt động này.

Theo đó, các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư cho vốn con người, và huy động các nguồn lực trong nước để xây dựng những chương trình bảo trợ xã hội bền vững, bao trùm và tăng cường đóng góp cho bảo hiểm xã hội.

Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, hạn chế di chuyển và đi lại, và khả năng làm việc từ xa hạn chế, đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lượng lớn việc làm trong nông nghiệp, bán buôn và bán lẻ—những lĩnh vực thường thu hút lao động dịch chuyển trong các thời điểm bất định.

Sản xuất chiếm một tỷ trọng lớn trong số việc làm ròng bị mất đi ở nhiều nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng lớn hơn từ tình trạng cắt giảm việc làm, do thanh khoản kém hơn, hoặc ít khả năng tiếp cận hỗ trợ của chính phủ hơn.

Lao động trẻ nhiều khả năng bị mất việc hơn, chủ yếu bởi vì nhóm người này chiếm ưu thế trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như khách sạn, nhà hàng, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Phụ nữ, ở tất cả quốc gia mà báo cáo xem xét và ở tất cả nhóm tuổi, có nhiều khả năng rời bỏ lực lượng lao động, chủ yếu để chăm sóc gia đình trong thời gian diễn ra đại dịch.

ADB cho biết những người phụ nữ gia nhập lại lực lượng lao động vào đầu năm 2021 phần lớn là lao động tự do, hoặc trong khu vực phi chính thức – điều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ về lâu dài.

Lao động phi chính thức, những người chiếm tỉ trọng lớn trong số lao động nghèo và cận nghèo của khu vực, đặc biệt dễ bị tổn thương trước khủng hoảng do họ bị hạn chế về bảo đảm việc làm và bảo trợ xã hội.

10 triệu lao động nhập cư của khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi những hạn chế trong di chuyển và đi lại, vì họ thường không có sự bảo đảm về việc làm, hoặc không được tiếp cận các hệ thống y tế và phúc lợi ở nước sở tại.

Bạn đang đọc bài viết Nhóm nào dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng mất việc làm vì Covid-19? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp