Lợi nhuận ngân hàng “tắc kè hoa”

BIZLIVE 09:59 18/01/2021

Không chỉ có khả năng đổi màu, tắc kè hoa còn sở hữu cặp mắt có thể nhìn hai hướng cùng lúc.

Lợi nhuận các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay cũng vậy, có khả năng đổi màu và cũng cần nhìn ở hai chiều cùng lúc.

NGÂN HÀNG KHÓ ĂN NÓI…

Sau hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành ngân hàng năm 2021 vừa qua, trò chuyện bên lề với BizLIVE, lãnh đạo một NHTM băn khoăn: "Bây giờ có trào lưu nhìn về lợi nhuận ngân hàng "khủng". Cứ công bố lợi nhuận là sợ. Vấn đề là không phân biệt rõ nguồn gốc lãi tăng từ đâu, trong khi mỗi ngân hàng mỗi khác".

Thực tế đã có NHTM ban đầu công bố kết quả kinh doanh năm qua nhưng "không dám" nêu con số lợi nhuận cụ thể. Có trường hợp đã xây kế hoạch 2021 nhưng "không dám" nêu chỉ tiêu lợi nhuận. Nhiều trường hợp cho biết cũng đang băn khoăn lựa cách công bố vì lợi nhuận tăng trưởng cao hơn dự kiến đầu năm 2020…

Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo khối nghiên cứu của một NHTM, vị này cho rằng cần nhìn cụ thể vào cấu phần lợi nhuận, và không hẳn tín dụng, cho vay lãi suất cao để tạo lãi lớn như những giai đoạn trước.

Chứng minh quan điểm của mình, người trong cuộc này gửi luôn bảng tập hợp chi tiết lợi nhuận, cấu phần đóng góp các mảng từng tháng của toàn hệ thống để BizLIVE tham khảo.

Tham khảo dữ liệu trên, cũng như từ thực tế nhiều NHTM đã công bố, cơ cấu từ cho vay đã giảm hẳn tỷ trọng trong lợi nhuận; nếu trước đây phổ biến từ 90-99%, thì nay giảm xuống còn 70-80%, thậm chí chỉ còn quanh 60% tại một số thành viên. Còn lại, thu dịch vụ và đặc biệt "thu nhập khác" tăng lên.

Những năm gần đây, nhiều NHTM có những khoản thu nhập bất thường lớn, từ thoái vốn, chuyển nhượng đầu tư, bán cổ phiếu quỹ, thu hoa hồng bảo hiểm… Dày đặc các thương vụ giá trị lớn và hạch toán vào lợi nhuận, nhất là sau làn sóng đầu tư vào công ty tài chính và thoái vốn tuân thủ giới hạn đầu tư vào ngân hàng khác.

Hay ví dụ tới đây, VPBank bán cổ phần công ty con FE Credit, Vietcombank buộc phải hạch toán tiếp khoản thu nhập "khủng" từ bảo hiểm FWD hoặc thoái tiếp tại MB khi giá cổ phiếu lên cao, SHB bán cổ phần công ty tài chính…, lợi nhuận theo đó có thể tăng cao nữa. Nếu vậy, họ có "khó ăn nói" khi mà có định hướng hạ chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế?

Hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước hết hạ lãi suất cho vay, khi tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lãi. Thực tế nhiều NHTM vẫn áp lãi suất cho vay trên 10%/năm, nhất là với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số NHTM vừa qua khẳng định đã áp lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, khó giảm sâu được nữa. Một mặt, không thể áp lãi suất cho vay sát hoặc thấp hơn huy động; mặt khác, dễ bị "mang tiếng" cạnh tranh không lành mạnh lôi kéo khách hàng(?).

Theo đó, trở lại với ý kiến của vị lãnh đạo ngân hàng nói trên, nếu các NHTM phải hạ chỉ tiêu lợi nhuận, hoặc sợ lãi cao, vô hình trung cào bằng các động lực tăng trưởng không đến từ cho vay, hoặc các trường hợp hoạt động không hiệu quả lại trở nên "an tâm" trong bối cảnh hiện nay.

CÁC HÌNH THÁI "TẮC KÈ HOA"

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2020 phần lớn còn phía trước. Nhưng các cập nhật vừa qua cho thấy một điểm chung: nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng, tỷ lệ bao nợ xấu đạt mức cao.

Như tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã lên tới khoảng 377%; tại VietinBank đã lên trên 130%; tại MB vào khoảng 120%... Tuần tới, dự kiến nhiều thành viên sẽ lần lượt công bố và hệ thống sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp đạt trên 100%.

Vì sao chỉ có 10 đồng nợ xấu nhưng ngân hàng trích lập dự phòng tới 120, 130 và thậm chí 377 đồng?

Trước hết, trong hàng chục năm qua, kể từ cơ chế phân loại nợ theo Quyết định 493 hay đến Thông tư 02, vấn đề trích lập dự phòng chung nhiều lần đặt ra xem xét, nhưng vẫn áp dụng đến nay.

Quy định, các NHTM phải thực hiện trích lập dự phòng chung cho nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 với 0,75%, trong khi nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 đã thực hiện trích cụ thể. Nợ nhóm 1-4 chiếm chủ yếu tổng dư nợ, như tại "Big 4" có thể lên tới cả triệu tỷ đồng, 0,75% với mẫu số lớn đó tạo mức độ bao phủ lớn đối với con số tuyệt đối nợ xấu có tỷ trọng nhỏ.

Thứ nữa, khả năng "tắc kè hoa" tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà băng. Quy định, ngân hàng được khấu trừ giá trị tài sản bảo đảm khoản nợ xấu rồi trích lập dự phòng. Ví dụ khoản nợ 100 đồng, ngân hàng có thể khấu trừ tới 30 đồng giá trị tài sản đảm bảo, trích lập cho 70 đồng dư nợ; mức độ "dùng" 30 đồng khấu trừ đó là linh hoạt và thậm chí không trừ một đồng nào và trích lập toàn bộ.

Bên cạnh các khả năng uyển chuyển trên, xuyên suốt lịch sử hoạt động NHTM tại Việt Nam luôn có các hình thái khác nhau dẫn tới khả năng thay đổi "màu sắc" của lợi nhuận, qua cơ chế trích lập dự phòng, cũng như góp phần giải thích cho tỷ lệ bao phủ cao hơn nhiều so với nợ xấu nói trên.

Gần chục năm trước, hệ thống có Quyết định 780 rồi chuyển tiếp vào Thông tư 09 mở cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Nối tiếp, năm 2020, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 , Thông tư 01 cho cơ cấu lại nợ tương tự. Qua các cuộc như vậy, quy mô nợ cơ cấu rất lớn, đều trên 300 nghìn tỷ đồng… Liên quan, việc trích lập dự phòng cũng thay đổi, tỷ lệ bao phủ thay đổi so với nợ xấu trên báo cáo, và lợi nhuận có khả năng đổi màu.

Như hiện nay, trường hợp Vietnam Airlines với dư nợ tại các NHTM, được cơ cấu theo diện Thông tư 01, việc trích lập dự phòng liên quan hay không tại các thành viên cũng có thể tạo những màu sắc khác nhau. Và Vietnam Airlines không phải là doanh nghiệp nhà nước lớn duy nhất được cơ cấu nợ.

Những ngày này thị trường và các NHTM cùng chờ đợi việc sửa đổi Thông tư 01. Điểm quan trọng, nếu các thời hạn trong Thông tư 01 kết thúc, các khoản cơ cấu đáo hạn mà vẫn là nợ xấu bởi Covid-19, không có cơ chế nối tiếp, ngân hàng sẽ buộc phải chính thức trích lập dự phòng. Với quy mô trên 300 nghìn tỷ đồng liên quan và ẩn số hồi sinh khi đáo hạn, nếu phải thực hiện trích lập ngay theo quy định thông thường, không loại trừ tình huống quá tải tại một số thành viên, hoặc tạo thêm sức ép lên nguồn vốn và lãi suất…

Theo đó, đã có gợi mở thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, theo hướng giãn trích lập dự phòng nói trên ra 3 năm (mỗi năm khoảng 30%). Như trước đây, trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC cũng giãn ra 5 năm (mỗi năm 20%).

Với những hình thái cơ chế như vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện nay chưa hẳn đã cao, hoặc lợi nhuận công bố chưa hẳn đã "khủng". Hay nói cách khác, lợi nhuận của các NHTM thời gian qua và hiện nay không thuần nhất "một màu", sổ sách trở nên khá linh hoạt.

Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước vẫn gác cửa chốt chặn: hàng năm, mỗi NHTM thực hiện phân bổ lợi nhuận đều phải qua rà soát chặt chẽ khâu trích lập dự phòng và hạch toán lợi nhuận, sau đó mới được chia cổ tức với mức độ nào hay không. Thực tế, đến nay đã sang năm 2021 nhưng một số NHTM vẫn chưa thể chia cổ tức của năm 2019.

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận ngân hàng “tắc kè hoa” tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát nên hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản được cải thiện trong quý III và dự kiến quý IV sẽ ghi nhận “điểm rơi” lợi nhuận.