Theo thông tin sơ bộ từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), năm 2020, các chỉ tiêu cơ bản của Ngân hàng đều đã đạt và vượt kế hoạch.
Với nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục, tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu tiếp tục vượt trội, lợi nhuận giữ được ổn định trong khi đẩy mạnh hỗ trợ khách vay, Vietcombank đã tạo được một cân đối tưởng như “bất khả thi” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm qua.
Cập nhật mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước tác động tiêu cực của đại dịch, nợ xấu trong hệ thống đã tăng mạnh từ giữa năm 2020, hiện đã vượt trên mốc 2%. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, khi độ trễ chính sách cơ cấu nợ từng bước được rút ngắn.
Trong khi đó, tại Vietcombank, thông tin sơ bộ cho biết tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm mạnh năm qua, từ 0,77% năm 2019 xuống chỉ còn khoảng 0,6% chốt năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này, và dự kiến cũng là mức thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh cũng là một nguyên do khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại Vietcombank cuối 2020 tiếp tục tăng mạnh, từ hơn 180% cuối 2019 lên tới khoảng 350%. Theo đó, ứng với 1 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã có tới 3,5 đồng sẵn sàng xử lý nếu cần, một cân đối vượt trội và khó có ngân hàng khác vượt qua.
Như trên, với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, trong khi tổng dư nợ tiếp tục tăng lên, lượng trích lập dự phòng chung 0,75% cho nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 theo quy định đã đẩy mạnh tỷ lệ dự phòng bao phủ. Cùng đó, năm 2020 Vietcombank đã quyết định trích lập dự phòng cho một phần nợ đã cơ cấu lại hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ở tương quan số liệu tuyệt đối, mức trích lập dự phòng còn gắn với tổng dư nợ của Ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm qua của Vietcombank ước đạt 13,9%, ứng với khoảng 120.000 tỷ đồng tăng thêm, nâng tổng dư nợ lên khoảng 838 nghìn tỷ đồng. Quy mô tăng thêm này bằng cả tổng dư nợ của một ngân hàng tầm trung trong hệ thống. Theo đó, đây cũng là một trong những động lực chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến có thể đạt 11% năm qua để hỗ trợ kinh tế phục hồi trong điều kiện “bình thường mới”.
Trong mức tăng trưởng tín dụng trên, như đã thể hiện những năm gần đây, Vietcombank tiếp tục tập trung mạnh hơn cho phân khúc bán lẻ với mức tăng khoảng 20%, trong khi tín dụng bán buôn chỉ tăng khoảng 7%. Với cân đối này, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng từ 50,6% cuối 2019 lên 53,5% cuối 2020 để nâng hiệu quả sử dụng vốn.
Tuy nhiên, tín dụng không hẳn là động lực chính trong cơ cấu lợi nhuận của Vietcombank, khi báo cáo sơ bộ cho thấy tỷ trọng thu nhập phi tín dụng tại ngân hàng này đã lên tới trên 45%, trong đó riêng thu dịch vụ đạt khoảng 29%.
Với nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay, tỷ trọng thu phi tín dụng và riêng dịch vụ cao như vậy đang là cân đối “bất khả thi”. Còn tại Vietcombank, một lý giải quan trọng có ở việc phân bổ khoảng 1.700 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm hợp tác với FWD, cũng như gia tăng khoảng 47% giá trị đầu tư vào các giấy tờ có giá so với năm 2019 thay vì tập trung cho vay trên liên ngân hàng với lãi suất gần 0% thể hiện suốt năm qua…
Trong khi đó, ở nguồn đầu vào, Vietcombank lại kiểm soát được chi phí tối ưu khi có lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Năm 2020 cũng đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng này vượt mốc 1 triệu tỷ đồng vốn huy động, tăng trưởng 11%.
Mặt khác, chi phí hoạt động của Vietcombank tiếp tục được giảm thiểu để góp phần cân đối lợi nhuận. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đã giảm từ mức 34,7% năm 2019 xuống còn khoảng 33%, ở nhóm hiệu quả nhất trong hệ thống ở chỉ tiêu này.
Với những dịch chuyển và cân đối trên, đặc biệt từ đóng góp lớn của các nguồn thu phi tín dụng, năm 2020 Vietcombank giữ được lợi nhuận ổn định khi chỉ giảm nhẹ so với năm 2019, đạt khoảng 23.000 tỷ đồng.
Mặc dù các chỉ tiêu khác đều tăng trưởng khả quan, nợ xấu giảm mạnh, nhưng lợi nhuận vẫn giảm nhẹ được lãnh đạo Vietcombank lý giải ở chính sách áp lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Mặt khác, để hỗ trợ khách hàng trước khó khăn bởi dịch Covid-19, năm qua Vietcombank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay với tổng giá trị hỗ trợ hơn 3.700 tỷ đồng, cùng hơn 350 tỷ đồng tập trung cho các hoạt động an sinh xã hội…
Như vậy, ngược với xu hướng chung, năm vừa qua Vietcombank đã tạo được một cân đối tưởng như “bất khả thi” khi giảm mạnh nợ xấu, gia tăng tín dụng sát mức tối đa cho phép góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, giữ ổn định lợi nhuận ở vị trí dẫn đầu hệ thống dù giảm nhẹ và không dựa nhiều vào cho vay như trước, trong khi thực hiện được 5 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của đại dịch.