Khối nợ trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng của Tiến Phước

https://laodong.vn/bat-dong-sa 20:20 14/03/2023

Hệ sinh thái Tiến Phước Group của đại gia Nguyễn Thành Lập trong những năm qua có giá trị huy động trái phiếu lên đến hàng nghìn tỉ đồng và cũng đang chịu nhiều áp lực khi có đến hơn 600 tỉ đồng gần đ

ap-luc-dong-tien-dang-la-cau-hoi-lon-khi-den-thoi-diem-dao-han-trai-phieu-1678675566.jpeg

Áp lực dòng tiền đang là câu hỏi lớn khi đến thời điểm đáo hạn trái phiếu. Ảnh: Hải Nguyễn

Áp lực đáo hạn khi hoạt động kinh doanh thua lỗ

Cụ thể, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Tiến Phước có 2 lô trái phiếu GTPCH2123001 (300 tỉ đồng) và GTPCH2123002 (200 tỉ đồng) sẽ đáo hạn vào các ngày 25.3.2023 và 6.4.2023. CTCP Tập đoàn Tiến Phước được đăng ký với hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng đi thuê. Thế nhưng theo dữ liệu báo cáo tài chính mới nhất thì trong 2 năm 2020 và 2021, Tập đoàn Tiến Phước không ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Dù vậy, Tập đoàn Tiến Phước vẫn báo lãi sau thuế 83 triệu đồng (2020), lãi 5 tỉ đồng (2021) nhờ hoạt động doanh thu tài chính.

Tương tự, lô trái phiếu TPCCH2223001 (161 tỉ đồng) của CTCP Bất động sản Tiến Phước cũng sẽ được đáo hạn vào ngày 30.3.2023. Được biết, cả hai doanh nghiệp nói trên đều thuộc hệ sinh thái Tiến Phước của đại gia Nguyễn Thành Lập. Tiến Phước Group là một trong những tập đoàn bất động sản mang đậm nét của một công ty gia đình, khi các thành viên trong gia đình ông Lập đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại công ty. CTCP Bất động sản Tiến Phước huy động lô trái phiếu PCCH2223001 trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu theo dữ liệu báo cáo tài chính mới nhất. Cụ thể, số liệu riêng lẻ của CTCP Bất Động Sản Tiến Phước cho thấy, năm 2020 doanh nghiệp này lỗ 87 tỉ đồng, lỗ tiếp 227 tỉ đồng năm 2021. Việc thua lỗ liên tiếp 2 năm liên tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến tại thời điểm cuối năm 2021, Bất động sản Tiến Phước đang gánh số lỗ luỹ kế hơn 92 tỉ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu về gần 1.926 tỉ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.018 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2021, tổng nợ phải trả của CTCP Bất động sản Tiến Phước còn 5.382 tỉ đồng, chiếm 74% nguồn vốn, tăng 20% so với cùng kì và gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy nguồn vốn của CTCP Bất động sản Tiến Phước được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ của doanh nghiệp càng lớn.

mot-du-an-cua-ctcp-bat-dong-san-tien-phuoc-1678675606.jpeg

Một dự án của CTCP Bất động sản Tiến Phước. Ảnh: Bảo Chương

Hàng nghìn tỉ trái phiếu của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tiến Phước Group cũng có tên trong danh sách huy động trái phiếu những năm qua. Đơn cử, cuối tháng 9.2021, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI – một thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước phát hành lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỉ đồng. Đây là lô Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động của Tổ chức phát hành. Ngày đáo hạn tháng 9.2024. Tiếp đến, Công ty CP Tư Vấn Đầu Tư Và Kỹ Thuật Mê Kông – doanh nghiệp do ông Trần Hải Nam, giám đốc tài chính tại Tập đoàn Tiến Phước giữ vai trò Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật cũng đã huy động thành công lô trái phiếu MEKONG.BOND.2019 có số tiền 900 tỉ đồng vào năm 2019, lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 1.2025, hiện nay khối lượng lưu hành còn 598 tỉ đồng.

Nhắc đến trái phiếu của Tiến Phước Group, thật thiếu sót khi không nói về 2 lô trái phiếu 2.000 tỉ đồng của công ty Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc – công ty liên kết với CTCP Bất động sản Tiến Phước huy động trong năm 2020 và 2021. Như vậy, tính qua hiện nay các doanh nghiệp liên quan đến Tiến Phước Group đang có hơn 4.200 tỉ đồng trái phiếu hiện đang lưu hành. Một điểm đáng chú ý nữa, đa số các công ty nằm trong hệ sinh thái Tiến Phước đều ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài trong nhiều năm.

Đến ngày 5.3.2023, có khoảng 46 đơn vị nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán, do nhà đầu tư ở nước ngoài, lỗi kỹ thuật chuyển tiền... là những lý do mà doanh nghiệp phản hồi HNX về việc chậm trễ này.

Theo ước tính từ Chứng khoán VNDirect, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách trên rơi vào khoảng 121,1 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Khoảng gần 38,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm. Nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn khoảng 107,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trên toàn thị trường trong năm 2023.

Link gốc : https://laodong.vn/bat-dong-san/khoi-no-trai-phieu-hang-nghin-ti-dong-cua-tien-phuoc-1155656.ldo

Bạn đang đọc bài viết Khối nợ trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng của Tiến Phước tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh