“Nạn nhân” mới nhất của Công ty Venesa là bà Nguyễn Thuý Hằng, sinh năm 1963, tại Cà Mau. |
Nhận bộ sản phẩm "kém chất lượng" để trở thành “con nợ” của VPBank
Nhiều khách hàng "khóc ròng" vì khoản nợ hàng chục triệu đồng đã đề nghị được trả lại sản phẩm, tất toán hợp đồng vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhưng đều bị từ chối hoặc phải trả phí cao ngất ngưởng.
“Nạn nhân” mới nhất của Công ty TNHH Venesa là bà Nguyễn Thuý Hằng, sinh năm 1963, tại Cà Mau. Bà Hằng cho biết: “Tôi bị lừa khi ký một đống giấy tờ. Cô ấy (nhân viên Công ty Venesa-PV) đáng tuổi con tôi nói chuyện ngọt ngào lắm. Tôi không biết chữ mà gồng mỏi tay mới viết được tên mình vào giấy vì cô ấy nói ký để nhận bộ sản phẩm tặng kèm. Khi được mời đi trải nghiệm chăm sóc da miễn phí và còn được tặng quà thật mừng. Ai ngờ, khi về nhà tôi sực tỉnh mới đem bộ mỹ phẩm và giấy tờ ra cho con trai đọc thì mới biết là bị lừa”.
Bộ sản phẩm chăm sóc da có giá 43 triệu đồng của Công ty Venesa. |
Bộ sản phẩm mà Công ty Venesa bán cho bà Hằng có giá lên đến 43 triệu đồng, trừ chiết khấu, khách hàng phải trả 38,7 triệu đồng.
Bà Hằng không phải trả luôn số tiền này mà Công ty Venesa đưa cho bà ký một hợp đồng cho vay với Ngân hàng VPBank. Trong hợp đồng, bà Hằng được kê khai thu nhập sau thuế là 8 triệu đồng/tháng. Nhận về bộ sản phẩm của Venesa nhưng bà Hằng lại trở thành “con nợ” của Ngân hàng VPBank số tiền 38,7 triệu đồng, thời hạn vay 18 tháng, lãi suất tối đa 17,5%/năm.
Dường như biết trước được việc khách hàng sẽ phản ứng, trả lại sản phẩm nên trên hợp đồng “mua bán sản phẩm” mà Công ty Venesa phát hành còn ngang nhiên đóng dấu “hàng bán miễn trả”.
Mới đây, bà Hằng đã làm giấy ủy quyền cho bà Đinh Thị Lan, sinh năm 1976, trú tại phường Bình Thuận, Q.7, TP. Hồ Chí Minh để trả lại bộ sản phẩm và liệu trình chăm sóc da DeAura cho Công ty Venesa.
Bộ sản phẩm mà Công ty Venesa bán cho bà Hằng có giá lên đến 43 triệu đồng, trừ chiết khấu, khách hàng phải trả 38,7 triệu đồng. |
Hiện có hàng chục khách hàng đã làm giấy ủy quyền cho bà Đinh Thị Lan đòi trả lại sản phẩm nhưng doanh nghiệp này chấp nhận.
Trả lời báo chí, bà Lan cho rằng, nhiều khách hàng được mời tới các spa để trải nghiệm miễn phí chăm sóc da mặt đã mua bộ mỹ phẩm DeAura với giá 43 triệu đồng từ việc vay tín chấp VPBank. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng thì không như lời quảng cáo, nhiều người bị dị ứng, nổi mụn… Bản thân bà cũng từng là “nạn nhân”, phải điều trị khá tốn kém.
Hợp đồng mua bán sản phẩm của Công ty Venesa đóng dấu "hàng bán miễn trả" và hình thức thanh toán là "vay tín dụng tại VPBank". |
Cụ thể, cuối năm 2018, bà Lan cũng từng là khách hàng và là “nạn nhân” khi mua mỹ phẩm DeAura. “Tôi cũng được mời chào đến chăm sóc da miễn phí ở spa. Sau đó, nhân viên thuyết phục ký hợp đồng mua bộ mỹ phẩm với giá 43 triệu đồng. Về sử dụng thì bị dị ứng nên đã đến công ty đổi trả. Mất rất nhiều thời gian và thủ tục, cuối cùng tôi mới được phía công ty chấp nhận”, bà Lan chia sẻ.
“Người mua phải bóc tem sản phẩm ra ngay tại chỗ kiểm tra. Đây là “cái bẫy” để người mua không được hưởng chính sách đổi trả. Công ty quy định thời hạn hoàn trả sản phẩm là 15 ngày, kể từ ngày mua hàng hóa. Sản phẩm còn nguyên tem, nhãn, không bị biến dạng, hư hỏng và chưa được mở ra sử dụng. Đối với những sản phẩm người mua đã bóc sử dụng sẽ không có chính sách được đổi hoặc trả…”, bà Lan cho biết.
VPBank buông lỏng hay tiếp tay?
Nhiều “nạn nhân” cho biết, họ nhận được cuộc điện thoại với giọng nữ mời chào đến spa trên đường Nguyễn Thông (phường 9, quận 3, TP.HCM) trải nghiệm dịch vụ chăm sóc da miễn phí.
Được mời trải nghiệm miễn phí nên nhiều khách hàng đã tranh thủ đến thử. Tuy nhiên, trong khi trải nghiệm chăm sóc da mặt, một người tự nhận là quản lý vào giới thiệu bộ mỹ phẩm DeAura (công ty TNHH Venesa Việt Nam phân phối) có giá 43 triệu đồng và chèo kéo khách hàng mua.
Thấy số tiền quá lớn so với khả năng, nhiều khách hàng từ chối thì nhân viên spa trấn an rằng không cần phải bỏ tiền mặt, hay thế chấp gì cả. Chỉ cần giấy chứng minh nhân dân để ký vay tín chấp từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với thời gian 12 hoặc 24 tháng khách hàng sẽ có bộ mỹ phẩm về sử dụng.
Hàng loạt khách hàng rơi vào tình cảnh "nợ xấu" vì mua bộ sản phẩm của Công ty Venesa nhưng VPBank lại "phủi" trách nhiệm. |
Nhiều khách hàng cho biết, người quản lý spa nói rằng, vì là khách được mời trải nghiệm nên ưu đãi chỉ còn 43 triệu đồng, chứ bán cho người ngoài là hơn 70 triệu đồng. Nhân viên spa nhanh chóng bộ hợp đồng được soạn thảo xong, đưa cho khách hàng ký.
“Tôi nói để về nhà suy nghĩ lại. Nhưng phía nhân viên tiếp tục thuyết phục rằng sau một tháng mới đóng tiền mà, nói tôi ký đi không sao đâu”, khách hàng tên L. cho biết.
Nhiều khách hàng đều phản ánh, lúc spa xong rất mệt và hoang mang nên đã đặt bút ký chứ không đọc hợp đồng. Tuy nhiên, khi về nhà, khách hàng mới “tá hỏa” nhận được tin nhắn thông báo từ ngân hàng VPBank khoản vay 43 triệu đồng, yêu cầu đến ngân hàng để hoàn thiện hồ sơ vay.
“Xem tin nhắn tôi mới giật mình, tại sao lại đi mua bộ mỹ phẩm vài chục triệu đồng trong khi gia đình khó khăn, đang nuôi 2 đứa con học đại học. Nếu chồng con, gia đình biết thì không biết sống sao”, bà L. kể.
Phản ánh trên báo Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (ngụ TP Cần Thơ) cũng được mời chào đến spa chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để trải nghiệm… miễn phí. Khi ra về thì chị Châu cũng trở thành con nợ bất đắc dĩ của ngân hàng.
Nhiều lần đến spa yêu cầu được trả lại sản phẩm, tất toán tiền vay ngân hàng nhưng đều bị từ chối. Đến nay, mỗi khi có số điện thoại lạ gọi đến chị Châu không dám bắt máy vì rất sợ bị đòi tiền trả góp hàng tháng.
Chị Châu cho biết, khi được mời chào mua mỹ phẩm chị cũng nói rõ không có tiền, điều kiện kinh tế không cho phép nên chỉ đến trải nghiệm miễn phí cho biết. Bất chấp lời từ chối của khách, nhân viên đưa cho chị Châu tờ giấy mua hàng và hợp đồng vay tín chấp ngân hàng.
Chị Châu bất đắc dĩ ký mua bộ mỹ phẩm DeAura với giá 43 triệu đồng bằng hình thức vay tín chấp. Chị cho biết khi về đọc hợp đồng vay mới giật mình vì mức lãi suất 18%/năm, trả trong thời hạn 18 tháng.
Nhiều lần chị quay lại spa để đề nghị đổi trả sản phẩm nhưng đều bị từ chối. Mang nợ cả chục triệu đồng khiến cuộc sống của chị lúc nào cũng bất an, lo sợ chồng và gia đình biết chuyện.
Những phát ngôn “vô cảm” của Tổng giám đốc VPBank
Vào tháng 5/2018, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank đã trả lời một số câu hỏi của nhà đầu tư về sự việc gần đây liên quan Công ty mỹ phẩm DeAura bị một số người tiêu dùng tố cố tình đẩy họ vào cảnh nợ nần khi ký tên vào hợp đồng tín dụng với FE Credit – công ty tài chính thuộc VPBank.
Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho rằng: Ngân hàng quan hệ đàng hoàng với họ, sau khi quyết định vay có hiệu lực thì ngân hàng cung cấp tài chính cho họ, không thể suy diễn ngân hàng liên kết để đưa khách hàng vào tròng. |
Ông Vinh cho biết, DeAura là một trong số hàng trăm đối tác thương mại, tài chính của ngân hàng, bên cạnh các công ty như Thế giới di động, FPT Shop, Vinhomes, Điện máy xanh… Việc hợp tác này là bình thường, và DeAura là đối tác lớn có triển vọng. Trong 2-3 năm vừa qua họ đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ lớn trên thị trường với 30 – 40 nghìn khách hàng. Chúng tôi đánh giá họ thành công về thương mại. Dịch vụ của DeAura tốt, cho nên không có lý do gì để phải dừng hợp tác với họ. Đại bộ phận khách hàng của DeAura là khách hàng tốt. Việc ký kết hợp tác với các đối tác không có gì sai.
"Vụ việc xảy ra có thể do bộ phận dịch vụ khách hàng không tốt. Như báo chí nói, chúng tôi cho vay cả người nghèo, chúng tôi không cho vay đối tượng này. Sự phản ánh của cơ quan truyền thông làm cho ngân hàng lo ngại. Người đồng nát, người bán xôi cũng đều là phụ nữ, họ đều có quyền làm đẹp, nhưng vấn đề của chúng ta là có tiếp cận đúng khách hàng không, có cho vay đúng đối tượng hay không. Chúng tôi đã và đang có những điều chỉnh để kiểm soát chặt chẽ hơn" - ông Vinh nói.
Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, vấn đề không phải do ngân hàng mà do bản thân người bán hàng, họ muốn bán được nhiều hàng nên làm chưa đúng quy trình. DeAura có gần 40.000 khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Ngân hàng làm ăn với họ là có lợi vì cung cấp dịch vụ tài chính cho một trong những đơn vị có sản phẩm dịch vụ tốt, họ trả nợ tốt, trừ một số trường hợp như vừa phản ánh.
"Tôi khẳng định rủi ro của nhóm này là rất thấp. Nếu khách hàng không trả được nợ thì DeAura phải trả nợ thay. Vì thế đây là dịch vụ rất tốt, vì vay tín chấp mà lại có đơn vị đứng ra đảm bảo. Tôi cho rằng đó là sự hiểu lầm về bản chất dịch vụ, giữa người cung cấp dịch vụ với khách hàng" - ông Vinh nói.
Hiện nay VPBank đang phối hợp với DeAura và các đối tác khác để chấn chỉnh hoạt động, tránh vấn đề phát sinh, kể cả đòi nợ (dù đó là quyền của ngân hàng).
Một nhà đầu tư đặt câu hỏi, việc cho vay ở DeAura theo phản ánh như là lừa người tiêu dùng. Vậy thì đây là trách nhiệm của ngân hàng hay của nhà cung cấp DeAura?
Ông Vinh nói đó không thể là vấn đề của ngân hàng, mà của nhà cung cấp dịch vụ. Ngân hàng quan hệ đàng hoàng với họ, sau khi quyết định vay có hiệu lực thì ngân hàng cung cấp tài chính cho họ, không thể suy diễn ngân hàng liên kết để đưa khách hàng vào tròng.
Công ty Venesa là “chân rết” của VPBank?
Vì sao ông Nguyễn Đức Vinh lại một mực bênh vực DeAura (nay là Công ty Venesa) như vậy?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH DeAura được thành lập vào tháng 12/2014, có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến tháng 3/2018, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Venesa.
Thông tin về nhân sự, quản lý, góp vốn vào Công ty Venesa đều có mối quan hệ "người nhà" với ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank. |
Tại thời điểm đầu tháng 8/2017, công ty này có 3 thành viên góp vốn là Dan Catalin Fratu (Israel) nắm 30% vốn điều lệ cùng 2 thành viên góp trong nước là bà Nguyễn Quỳnh Anh (2,5%) và bà Hoàng Anh Minh (67,5%). Bà Hoàng Anh Minh chính là vợ ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 4/8/2017, bà Hoàng Anh Minh đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại DeAura sang cho một cá nhân khác là ông Trần Ngọc Trung. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trần Ngọc Trung là con trai của bà Ngô Thanh Hằng, chị gái ông Ngô Chí Dũng.
Tổng giám đốc hiện nay của DeAura, bà Nguyễn Quỳnh Anh từng giữ chức vụ Trưởng ban kiểm soát của VPbank từ năm 2010 đến trước khi ngân hàng này lên niêm yết.
Rõ ràng, sử dụng “chiêu trò” để thúc ép khách hàng mua bộ sản phẩm DeAura, khiến hàng ngàn người trở thành “con nợ” của VPBank đang gây bức xúc trong dư luận, bất ổn xã hội. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, phanh phui kiểu kinh doanh “bất lương” của Venesa cũng như việc làm thiếu minh bạch của Ngân hàng VPBank.
Theo Sức khỏe 24H