Quy hoạch này hiện đang vướng mắc ở đâu? Lãnh đạo TP Hà Nội vừa thông tin: Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt…
Phân khu Đô thị sông Hồng trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Quang Vinh) |
Đẩy nhanh tiến độ
Có thể thấy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, TP Hà Nội đã có ý tưởng về việc quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, với mục đích biến sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại. Tuy vậy, suốt nhiều thập kỷ qua, giấc mơ về một đô thị ven sông sánh ngang sông Hàn ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hay giống như đô thị bên dòng sông Seine, chảy giữa thủ đô Paris (Pháp) vẫn chưa trở thành hiện thực.
Dù TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Nhưng trên thực tế, bản quy hoạch vẫn “lơ lửng” khiến hàng nghìn hộ dân sinh sống ven hai bên bờ sông Hồng tại các quận, huyện như Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng…rơi vào cảnh mòn mỏi đợi chờ quy hoạch.
Điều đáng nói là nhiều hộ dân dù đất đã được cấp sổ đỏ nhưng vẫn không được xây dựng nhà, không thể chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, thế chấp, vay vốn… do là hai bên bờ sông Hồng chưa được quy hoạch nên phải giữ nguyên hiện trạng. Mặt khác, vì vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở những khu vực này cũng chưa được đầu tư, vậy nên người dân cứ sống trong cảnh tạm bợ hết năm này qua năm khác.
Mới đây, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XV, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cử tri quận Hai Bà Trưng bày tỏ sự đồng tình với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đồng thời cũng khá sốt ruột khi mong muốn thành phố sớm công khai cho người dân biết về tiến độ thực hiện.
Trước quan tâm của cử tri đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin: Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cũng cho hay: Trong năm 2021, triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở tiếp tục được chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.
Cuộc sống tạm bợ của cư dân bên sông Hồng, phía chân cầu Long Biên. |
Vướng mắc ở đâu?
Liên quan tới những vướng mắc khiến đồ án quy hoạch thành phố bên sông tiếp tục lỡ hẹn với người dân. Lần gần đây nhất thành phố đặt quyết tâm thực hiện phê duyệt quy hoạch trong tháng 6 /2021, nhưng rào cản lớn nhất hiện nay là vấn đề đê điều, an toàn thoát lũ.
Về việc này, trong văn bản vừa gửi TP Hà Nội cho ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), Bộ NNPTNT đã không tán thành ở một số điểm: Phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3), tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị lựa chọn cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi trùng với đê bối hiện có) hoặc cao trình khu dân cư hiện có (đối với tuyến đường đi qua khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với quy hoạch.
Đáng lưu ý, đối với việc đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, theo Bộ NNPTNT, Quy hoạch 257 (Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ cần phải di dời.
Trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Mặt khác, trong quá trình TP Hà Nội rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên địa bàn cũng đã xác định các khu vực dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn.
Đối với bãi Thượng Cát-Liên Mạc, Chu Phan-Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng đồng thời một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.
Vì thế, Bộ NNPTNT đề nghị TP Hà Nội rà soát cụ thể để thực hiện phù hợp với Quy hoạch 257/QĐTTg. Trong đó lưu ý bãi Tàm Xá-Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2 ha (15% x 408 ha).
Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Việc lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để có giải pháp cải tạo, chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư hiện có ở bãi sông, kết hợp khai thác quỹ đất bãi sông hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, vừa đảm bảo không gian thoát lũ, an toàn đê điều, vừa phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân là rất cần thiết.
Làm rõ các cơ sở khoa học
Việc phê duyệt quy hoạch phải lùi lại so với kế hoạch, nhưng TP. Hà Nội phấn đấu sẽ hoàn thiện trong năm 2021. Để gỡ vướng cho quy hoạch, về phía chuyên gia, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề phức tạp, cần làm rõ các cơ sở khoa học để đồ án có thể sớm được phê duyệt.
Theo ông Nghiêm, sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ. Những năm qua đã có nhiều dự án được nghiên cứu khoa học, phát huy được lợi thế, tiềm năng hai bên sông Hồng. Các đề xuất đều gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.
Song việc triển khai còn chậm do bất cập từ quy trình phối hợp đa ngành, từ quy hoạch chung, mối liên kết vùng và nhất là phối hợp để thống nhất giữa các bộ, ngành về các căn cứ lập dự án như vấn đề an toàn thoát lũ, đê điều. “Đây là bài học và cũng là nguyên nhân để nhìn nhận việc chậm ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng”, ông Nghiêm thẳng thắn nêu.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Khi có quy hoạch, Hà Nội có thể phát huy cao nhất những điều kiện thuận lợi của thành phố bên sông cho phát triển đô thị, lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn ở đây. Ðặc biệt, sẽ bảo đảm sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông.
Nhằm đảm bảo tính khả thi của đồ án, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh tới chế độ thủy văn rất khắc nghiệt của dòng sông Hồng. Do vậy cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ.
Cần xây dựng kịch bản thích ứng với dòng chảy sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, và biến động bất thường từ phía thượng nguồn Trung Quốc, nơi có hơn nửa lưu lượng dòng chảy sông Hồng và với gần hai chục đập thủy điện lớn nhỏ.
Bởi khi đã đánh giá đúng thì chúng ta có quy hoạch sử dụng mặt nước, đất bãi, khu dân cư, không gian công cộng, không gian xanh… hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hợp lý, an toàn và bền vững.
KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) bày tỏ: Người dân đang trông đợi viễn cảnh sông Hồng trở thành một bộ phận không tách rời của thành phố và làm đẹp cho cảnh quan Hà Nội. Người sống ở hai bên sông Hồng (trong vùng quy hoạch) không ai không muốn nơi đây không còn chỉ là phần bên hông của Hà Nội mà là một phần không tách rời của Hà Nội, được hưởng tất cả những phúc lợi về hạ tầng. “Nếu không có quy hoạch, người dân nơi đây mãi mãi sống trong tình cảnh nhà cửa, đường sá tạm bợ, xây dựng không được cấp phép, đất cát mua bán rủi ro cao, an ninh không ổn định... Có quy hoạch thì cuộc sống của người dân sẽ được ổn định”, ông Ánh nói. |
Theo Đại đoàn kết