Doanh thu giảm kéo theo nhân sự giảm
Mới đây, chủ sở hữu của gần 6.000 cửa hàng bán lẻ - Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã công bố thông tin về số lượng nhân sự. Theo đó, tính đến ngày 31/3/2023, doanh nghiệp này có 68.048 nhân viên, giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm và giảm khoảng 9.000 người so với thời điểm 30/9/2022. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu. Chỉ tính riêng trong quý I/2023, doanh thu bán lẻ điện thoại, điện máy của doanh nghiệp đều giảm 25 - 35% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, tính đến cuối tháng 3/2023, số lượng nhân sự của Tập đoàn Đất Xanh đã giảm gần 1.400 người so với thời điểm đầu năm, chi phí lương của doanh nghiệp đã giảm 61% xuống chỉ còn 84 tỷ đồng. Mặc dù đã cắt giảm các khoản chi phí nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đây là quý thứ 2 liên tiếp, doanh nghiệp bất động sản này báo lợi nhuận âm.
Người lao động cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn |
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đứng trên "bàn cân" nhân sự và doanh thu.
Anh Phúc Trường, chủ cửa hàng cung cấp thiết bị âm thanh, ánh sáng sự kiện chia sẻ, đứng trước khó khăn bị giảm hơn 50% doanh thu trong những tháng đầu năm nên buộc phải chuyển nhân viên kỹ thuật sang kiêm nhiệm việc kinh doanh và hỗ trợ khách hàng; cắt giảm nhân viên giao nhận để thuê khoán dịch vụ ngoài; giảm số lượng nhân viên marketing và chi phí quảng cáo để tối ưu chi phí; nhân sự hậu cần cũng bị giảm giờ làm, giảm lương và phúc lợi... Dù không muốn nhưng vẫn buộc phải làm để thắt chặt chi phí cho phù hợp với điều kiện tài chính hiện nay.
Thách thức cũng là cơ hội
Là một doanh nghiệp giảm nhiều nhân sự trong thời gian qua nhưng đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động khẳng định, doanh nghiệp chưa từng có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân sự mà hoàn toàn do biến động tự nhiên. Mọi năm số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới nhưng do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút nên doanh nghiệp tạm ngừng tuyển dụng. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong cách tính số lượng nhân viên cũng là nguyên nhân khiến số lượng nhân sự chênh lệch lớn. Với một công ty có số lượng nhân sự rất lớn, lên tới gần 70 nghìn người thì tỷ lệ nghỉ việc 12% trong 6 tháng là hoàn toàn bình thường so với mức trung bình ngành khoảng 15,6%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang thông báo tuyển gần 3.000 lao động mới.
Hơn nữa, một chuyên gia bày tỏ, giảm nhân sự của ngành này là cơ hội lớn bổ sung lao động cho các ngành khác vì hiện có những ngành đang đứng trước áp lực thiếu lao động. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trong quý II năm nay, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố như: vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú, ăn uống… đang cần tuyển 38.800 - 42.300 lao động còn 4 ngành công nghiệp trọng yếu như chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất-cao su-nhựa; cơ khí; điện tử cần tuyển 14.000 - 15.000 lao động.
Bên cạnh những doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm nhân sự thì vẫn có nhiều doanh nghiệp vượt khó đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng cắt giảm lao động và bảo đảm đời sống để giữ chân người lao động. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên chia sẻ, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, song công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động bằng việc phối hợp với khách hàng để sản xuất các mẫu mới. Cùng với đó, công ty và Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, để đoàn viên, người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh mới của cuộc CMCN 4.0, thì việc công nhân, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Thời báo Ngân hàng