Nhìn lại, năm 2020, tăng trưởng huy động đạt 14% trong khi tín dụng tăng trưởng thấp hơn, chỉ đạt 12% do Covid-19, gây ra tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm 2020. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank và MSB tận dụng tình hình thanh khoản dồi dào để tăng cường đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp, qua đó giúp các ngân hàng này giảm chi phí vốn và cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Tình trạng dư thừa thanh khoản đã giảm bớt trong 6 tháng đầu năm 2021 do lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Đến 21/6, tín dụng tăng trưởng 5,47%, trong khi huy động của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 3,13%.
Huy động tăng trưởng chậm hơn tín dụng khiến chênh lệch huy động-tín dụng giảm đi 100 nghìn tỷ đồng so với đỉnh điểm dư thừa ở năm ngoái, tuy nhiên theo ACBS, điều này phù hợp với xu hướng cải thiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động (LDR) để tối ưu hóa bảng cân đối của phần lớn các ngân hàng, chưa phải dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dù tăng 1 điểm phần trăm từ mức gần 0% nhưng vẫn đang ở mức thấp rất thấp so với các năm trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ vẫn đang duy trì ở mức thấp kể từ đầu năm. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào và ổn định.
ACBS cũng nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021. Đầu tiên là xu hướng giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức tiền mặt. Các ngân hàng niêm yết đã giữ lại 92,6% lợi nhuận trong năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 42,4% trong năm 2013.
Thanh khoản cũng được hỗ trợ bởi các khoản thu đột biến như từ việc bán 49% vốn tại FE Credit của VPBank (32.000 tỷ đồng) và phí trả trước nhận được từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền (Vietcombank: 9.000 tỷ đồng, VietinBank: 8.500 tỷ đồng, ACB 8.000 tỷ đồng,...).
Mặt khác, các ngân hàng đang tiếp tục bổ sung nguồn vốn dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và cổ phiếu. Nhu cầu tín dụng mặc dù vẫn đang mạnh nhưng cũng sẽ không thể cao hơn quá nhiều so với tăng trưởng huy động do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khống chế giới hạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng...
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn 6 tháng 7 tỷ USD trong quý I/2021 và đưa vào hệ thống 150.000 tỷ đồng trong quý III cũng sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp ít nhất là đến hết năm 2021.
Theo Kinh tế chứng khoán