Một doanh nghiệp không tên tuổi có tổng tài sản trên sổ sách ghi nhận tới hơn 127.900 tỷ đồng (5,5 tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2020 - ngang ngửa với quy mô vốn điều lệ của những tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vingroup hay EVN.
Được biết, đó là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu. Dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu thành lập vào tháng 11/2018, đặt trụ sở chính tại một số nhà trên phố Trích Sài, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Toàn Cầu là ông Bùi Văn Việt, một trong những cổ đông góp vốn sáng lập.
Mới thành lập chưa đầy 2 năm, cũng chẳng mấy tên tuổi trên thị trường song Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu hiện đã có vốn điều lệ tới 128.000 tỷ đồng. |
Được biết, Toàn Cầu được thành lập ban đầu với vốn điều lệ 132 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm có: Bùi Văn Việt 18%, Phạm Thị Thành 36%, Đào Xuân Hậu 18%, Đỗ Công Đảng 18%, Trần Đức Thùy 10%.
Đến tháng 6/2019, công ty bất ngờ thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang xây dựng nhà không để ở, rồi tăng mạnh vốn điều lệ lên 127.902,5 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD. Đáng chú ý, trong đó có một cổ đông nước ngoài là David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm 40% vốn điều lệ.
Theo đăng ký kinh doanh, công ty Toàn Cầu có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm thêm lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép; xây dựng công trình cấp, thoát nước; chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại…
Theo thống kê những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu đã lọt thẳng vào top 5, chỉ sau bốn “ông lớn” là Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).
Vốn chủ của Toàn Cầu cũng vượt Vietnam Beverage, công ty được lập ra nhằm phục vụ cho thương vụ ThaiBev mua lại cổ phần Sabeco trị giá gần 5 tỷ USD; trên Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ đồng), Vinhomes (89.685 tỷ đồng)...
Điều đáng ngạc nhiên là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu gần như không có hoạt động gì nổi bật trong thời gian qua. Thị trường cũng hầu như chưa biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp này.
Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận sự xuất hiện của một số ‘siêu doanh nghiệp’ đăng ký vốn điều lệ rất lớn, quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp được thành lập với số vốn khủng gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC được thành lập với mức vốn điều lệ "không tưởng" lên đến 144.000 tỷ đồng, tức hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp không thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Hiện tại, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, USC Interco đã bị vô hiệu hoá hoạt động.
Cuối tháng 5 năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) cũng khiến dư luận dậy sóng khi đăng ký thành lập với số vốn 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD).
Hồi đầu năm 2020, một doanh nghiệp bất động sản cũng đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là "ghi nhầm".
Theo Tài chính Doanh nghiệp