Nhiều "ông lớn" liên tục lùi cổ phần hóa vì... nhiều đất vàng!
Theo quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020, Agribank, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải thực hiện cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.
Tuy nhiên, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị này nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo quyết định số 26 năm 2019 của Thủ tướng.
Theo nhận định của Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa chậm là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TKV, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Mới đây, TKV đã có báo cáo về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác cổ phần hóa, đồng thời xin lùi thời hạn cổ phần hóa.
Theo TKV, một trong những nguyên nhân quan trọng là theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, để cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định cổ phần hóa thì trước đó phải có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
Trong khi đó, TKV có tới hơn 400 cơ sở nhà, đất nằm tại 32 tỉnh, thành phố. Vì vậy, theo doanh nghiệp này, phải đến hết tháng 10/2020 mới hoàn thiện việc lập biên bản hiện trạng các cơ sở nhà đất này. Do vậy, TKV đề xuất giãn tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ. Cụ thể là, thời điểm ban hành quyết định cổ phần hóa trước ngày 30/9/2021; Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 01/10/2021; Thời điểm phê duyệt giá trị doanh nghiệp là 30/7/2022; Thời điểm hoàn thành bán cổ phần lần đầu là 31/10/2022 và thời điểm chuyển thành công ty cổ phần là 31/12/2022.
Trước đó, theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020, TKV sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ trong năm 2019. Tuy nhiên, do vướng về đất đai, phương án xử lý tài chính…, TKV đã đề xuất được điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa sang cuối năm 2020.
Phê duyệt phương án sử dụng đất 2 lần
Theo quy định tại Điều 13 khoản 1 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa theo danh mục doanh nghiệp thực hiện sắp xếp trong từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Đối chiếu quy định nêu trên, các doanh nghiệp cổ phần hóa trước khi tiến hành cổ phần hóa có cơ sở nhà đất phải thực sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện sắp xếp theo trình tự, quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (bao gồm cả đối tượng là cơ sở nhà đất đã được phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).
Theo các quy định này, việc phê duyệt phương án sử dụng đất bị trùng (2 lần) đối với cơ sở nhà đất thực hiện sắp xếp lại theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp.
Để đẩy nhanh tiến độ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị đối với các cơ sở nhà đất đã được phê duyệt theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP không phải phê duyệt lại phương án sử dụng sau cổ phần hóa. Các cơ sở nhà đất không thuộc diện phải phải sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ phải xây dựng phương án và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi doanh nghiệp lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trên cơ sở đó hoàn thiện Phương án sử dụng đất trong Phương án cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan đến quy định xác định giá trị doanh nghiệp quy định tại Điều 30, khoản 1,2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, để tránh hiểu nhầm của nhà đầu tư cũng như các cơ quan kiểm tra, thanh tra về giá trị quyền sử dụng đất cần quy định rõ: Đối với diện tích đất đã được Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và diện tích đất do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất thuê đã trả tiền thuê một lần cho Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần được tiếp tục thuê đất trong thời hạn thuê đất còn lại thì không thực hiện đánh giá lại.
Số tiền doanh nghiệp đã nộp hoặc đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xác định là khoản đã trả trước và được trừ vào tiền thuê đất mà công ty cổ phần phải trả hàng năm theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Thiếu thống nhất cấp phê duyệt
Một vấn đề khác, theo quy định tại Điều 30 khoản 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thế nhưng, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, điều này không cần thiết, hoặc phải quy định cụ thể là doanh nghiệp cổ phần hóa đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu thì công ty cổ phần cần đăng ký biến động theo Luật đất đai, công ty cổ phần kế thừa làm thủ tục khi cấp Giấy chứng nhận, thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương theo Phương án sử dụng đất đã duyệt.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề nghị quy định thống nhất cấp phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với doanh nghiệp cấp I và doanh nghiệp cấp II là cơ quan đại diện chủ sở hữu để thống nhất về quy trình xử lý. Hoặc cần quy định các bước trình duyệt riêng cho hai nhóm doanh nghiệp này, tránh trường hợp quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh, sau đó lại giao Hội đồng thành viên doanh nghiệp phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa đối với doanh nghiệp cấp II.