Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/2021/NP-CP triển khai gói 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhằm chia sẻ khó khăn do dịch Covid - 19 tác động tiêu cực. Gói hỗ trợ này có 12 đối tượng thuộc diện, trong đó bao gồm các hộ kinh doanh nhưng nhiều người vẫn còn mơ hồ và không biết thuộc diện được hỗ trợ hay không để làm các thủ tục cần thiết.
Ông Đại - một người kinh doanh nhà hàng nhiều năm ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, chưa bao giờ nhà hàng gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay, việc liên tiếp phải đóng cửa để phòng dịch khiến ông gần như phá sản, nhân viên nghỉ dài hạn không lương, chi phí mặt bằng vẫn phải gánh trong khi, không biết khi nào được mở cửa trở lại.
Khi tìm hiểu về gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, ông Đại cho hay, hộ kinh doanh của ông hoàn toàn đủ điều kiện để làm thủ tục nhận hỗ trợ. Ông cho biết, số tiền tuy không lớn nhưng cũng phần nào động viên với cá nhân ông, tuy nhiên, ông vẫn còn băn khoăn về các thủ tục cần thiết để được hướng dẫn nhận hỗ trợ.
Các hộ kinh doanh vẫn còn băn khoăn về các thủ tục, điều kiện để nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ (Ảnh minh họa) |
Tương tự, tổ hợp quán cà phê, karaoke của anh Nguyễn Thế Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải đóng cửa phòng chống dịch bệnh. Chia sẻ về gói hỗ trợ trên, anh cho biết hộ kinh doanh của anh hoàn toàn thuộc diện được hỗ trợ, nhưng anh vẫn chưa hiểu rõ phải làm thủ tục thế nào, nộp hồ sơ khai báo ra sao.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ trong hàng ngàn trường hợp hộ kinh doanh vẫn còn đang băn khoăn về các điều kiện, thủ tục để nhận chế độ hỗ trợ từ Chính phủ.
Trước đó, ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, có đối tượng là hộ kinh doanh. Mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh, theo phương thức chi trả 01 lần.
Trong đó, thứ nhất, đối tượng thuộc hộ kinh doanh “không phải đăng ký hộ kinh doanh” gồm “những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp” theo quy định tại khoản 2, Điều 66, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 và khoản 2, Điều 79, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ;
Thứ hai, hộ kinh doanh có đăng ký thuế là những hộ kinh doanh đã được cơ quan Thuế cấp mã số thuế; Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/05 - 31/12/202, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”, cơ quan thuế đang quản lý thuế ở trạng thái đăng ký thuế “00 - NNT đang hoạt động”.
Như vậy, các hộ kinh doanh không đáp ứng điều kiện như trên sẽ không thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện: Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23 đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022. Trong 3 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi chi cục thuế. Trong 2 ngày làm việc, chi cục thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp. Trong 2 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. |
Theo VietQ