Hơn 9.800 doanh nghiệp ở Cần Thơ đóng cửa
UBND TP Cần Thơ cho biết, TP vừa chỉ đạo Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Chủ tịch UBND quận/huyện phối hợp các cơ quan có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, tái kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” của doanh nghiệp (DN) “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.
Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, CDC thực hiện thẩm định các phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” của các DN nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) và có trên 100 lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở.
9.800 doanh nghiệp tại Cần Thơ tự giác đóng cửa để phòng chống dịch |
Qua đó, đã thông báo tạm ngừng hoạt động đối với 23 DN không có phương án hoặc phương án chưa đảm bảo. Đối với 15 DN có phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”, thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” qua thẩm định đạt yêu cầu, Sở có văn bản chấp thuận hoạt động và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở DN phải thực hiện đúng quy định “3 tại chỗ” đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Thực tế vẫn có tình trạng một số DN, người lao động chưa tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện chưa đúng cam kết “3 tại chỗ” phải tạm dừng hoạt động. Trong các KCN ở Cần Thơ đã có trên 78% DN dừng hoạt động.
Theo đại diện Ban Quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trước hình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, BQL đã phối hợp với các địa phương thiết lập chốt gác tại các DN đang thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”. DN nào đã được phê duyệt phương án đúng quy định nhưng qua kiểm tra không đảm bảo yêu cầu, BQL sẽ cho tạm ngưng hoạt động ngay.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng, muốn giúp DN nhanh chóng trở lại sản xuất phải triệt để kiểm soát dịch bệnh. Giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích, sản xuất kinh doanh theo đuổi “mục tiêu kép” nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện cùng lúc hai mục tiêu ngang bằng nhau.
Trong số gần 10.000 DN của thành phố đã có hơn 9.800 DN tự giác đóng cửa. Đối với các DN còn hoạt động, chi phí tăng, DN khó khăn hơn nhưng xét trên tổng thể bình diện của khối DN, có một số DN chấp nhận chi phí tăng cao để tiếp tục hoạt động và lợi nhuận cũng tăng thêm. Cũng có các trường hợp DN phải hoạt động do e ngại bồi thường đơn hàng…
Theo ông Mạnh, từng trường hợp phải xem xét, tính toán một cách thấu đáo. Khi để xảy ra dịch bệnh trong DN không chỉ tạo áp lực lên hệ thống y tế, mà còn có thiệt hại cho ngân sách, ảnh hưởng đến các DN khác và thậm chí là tính mạng người dân.
Hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 10, cả nước có 12.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 165.600 tỷ đồng, tăng 18,4% về số doanh nghiệp nhưng giảm 18,5% về vốn đăng ký.
Mười tháng đầu năm 2020, trong khi cả nước có 111.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì 85.600 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. “Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 khởi sắc so với tháng trước”, cơ quan thống kê nhận định.
Tính chung 10 tháng đầu năm, có 111.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.594 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, cả nước có thêm 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 41.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 30.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy 10 tháng đầu năm 2020, có 85.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có khoảng 8.600 doanh nghiệp đóng cửa.
Các doanh nghiệp tiếp tục giải thể, ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh minh họa. |
Ngày 29/7/2021, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.
Dịch COVID-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất).
Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đặc biệt, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.
Trong tháng 7/2021, Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự trong mỗi ca sản xuất để đảm bảo chi phí đồng thời tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. |
Báo Nhân Dân dẫn lời TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch COVID-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.
Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.
Ông Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Giải pháp nào cho tình trạng đáng báo động?
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết vấn để triển khai các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đang gặp nhiều vướng mắc mà các các sở, ngành địa phương đang gặp phải. Vì vậy, bên cạnh việc giải đáp vướng mắc đối với từng đơn vị, Bộ sẽ xây dựng Bộ hỏi-đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, nhằm thống nhất cách thức áp dụng chính sách trên toàn quốc.
Đối với đề xuất tăng mức hỗ trợ người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, ông Lê Văn Thanh ghi nhận và khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tiễn tại các địa phương để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo đời sống cho người dân.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ sẽ làm việc trực tiếp với tập đoàn và các cơ sở đào tạo nghề để tổng hợp nhu cầu đào tạo, bố trí phương thức đào tạo cho phù hợp; đồng thời giải đáp vướng mắc, hỗ trợ tập đoàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị dựa trên bộ hồ sơ mẫu.
Liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đây là yêu cầu bắt buộc của ngân hàng khi cho vay. Hiện nay, tất cả các tỉnh, địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ không thấy vướng vấn đề này.
Ông Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương “nếu vướng, chúng ta có thể bỏ thủ tục này, cứ gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó Ngân hàng sẽ áp cùng chính sách với thuế để chuyển thủ tục. Như thế sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản được thủ tục".
Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng tập trung hỗ trợ những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định Bộ đang đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã triển khai, thực hiện, hỗ trợ cho tổng cộng trên 13 triệu người với khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc triển khai trên thực tế đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong số đó, có nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, gặp nhiều trở ngại trong việc làm thủ tục hồ sơ, người dân gặp khó khăn trong việc đi lại để làm thủ tục. Người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu sâu, hiểu cặn kẽ về các chính sách này. Do vậy, nhiều người lao động và người sử dụng lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Theo Doanh nhân Việt Nam