Doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm đang thua lỗ

Hải Yến 14:37 08/05/2023

Một thực trạng đáng buồn hiện nay là các doanh nghiệp nội và kể cả người chăn nuôi trong nước đang lép vế trước các doanh nghiệp FDI.

Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết, những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ giảm, công ty buộc phải thu hẹp quy mô chăn nuôi tới 90%, tổng đàn gia cầm giảm từ 4 triệu con vào năm 2021 xuống còn 400 nghìn con vào quý I năm nay. Việt Tín chủ yếu nuôi dòng gà ri lai 95-100 ngày, với giá thành khoảng 58.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian qua, giá bán ra cao nhất chỉ được 45.000 đồng/kg, có thời điểm giảm xuống còn 35.000 đồng/kg. Hiện chi phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, cùng với đó là chi phí vận tải, phân phối, trung gian đã ăn mòn lợi nhuận của người chăn nuôi. Công ty đã phải bán đi 2 nhà máy thu về 80 tỷ đồng để bù lỗ, nếu giá gà không được cải thiện trong vòng 6 tháng nữa, thì công ty có thể phá sản.

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, giống gia cầm và chế biến thực phẩm nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Dabaco sản xuất 60 triệu con gà giống nhưng phải huỷ 30 triệu con. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn cũng chững lại khiến kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty không đạt được như kỳ vọng. Theo đó, doanh thu thuần năm 2022 của Dabaco đạt 11.558 tỷ đồng, tăng gần 7%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 99%. Do đó, Dabaco mới hoàn thành hơn 51% chỉ tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 918 tỷ đồng.

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến sức mua của thị trường sản phẩm chăn nuôi, trong đó có sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ, tỷ suất lợi nhuận trong chăn nuôi nuôi gia cầm ngày càng giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Giá bán gia cầm thường lỗ khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Điều đáng lo là trong 2 năm qua sản lượng thịt gia cầm (chủ yếu thịt gà) nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Ước tính năm 2022 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 220 nghìn tấn, từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 52 nghìn tấn. Giá bán sản phẩm gia cầm thương phẩm, chủ yếu là gà giảm mạnh thời gian qua đã khiến không chỉ người chăn nuôi quy mô nông hộ thua lỗ, thậm chí một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước (không tính doanh nghiệp vốn FDI) cũng bị thua lỗ và có nguy cơ phải dừng sản xuất chăn nuôi do cạn kiệt nguồn vốn.

Một thực trạng đáng buồn hiện nay là các doanh nghiệp nội (bao gồm doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn và thuốc thú y) và kể cả người chăn nuôi trong nước đang lép vế trước các doanh nghiệp FDI và người nông dân sản xuất chăn nuôi nhỏ đang bị loại dần khỏi cuộc chơi. Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, thì các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng, ông Sơn cho biết thêm.

Những năm vừa qua, ngành gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà phát triển quá nóng. Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu, trong khi đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng hàng năm, đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước. Hậu quả là cả doanh nghiệp và người nông dân đều thua lỗ trong những năm gần đây.

Trước bối cảnh đó, ông Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa số lượng và chất lượng, coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. Do đó, hàng gia cầm của nhiều nước đang có xu hướng nhập khẩu nhiều vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh quyết liệt với gia cầm nội địa. Nếu muốn nâng cao hàng rào kỹ thuật thì cần tăng tiêu chuẩn nhập khẩu, mới hạn chế được sản phẩm nội địa phải cạnh tranh với hàng nhập.

Đặc biệt, ngày 4/5/2023, trước tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 3 văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Tình trạng này dẫn đến nguy cơ rất cao các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó gây ra các ổ dịch bệnh động vật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-va-nguoi-chan-nuoi-gia-cam-dang-thua-lo-139048.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm đang thua lỗ tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp