Văn phòng Thống kê Liên bang cho biết sản lượng công nghiệp giảm 4,0% trong tháng 8 sau khi tăng 1,3% trong tháng 7. Một cuộc thăm dò của Reuters đã chỉ ra mức giảm trong tháng 8 là 0,4%.
"Các nhà sản xuất tiếp tục báo cáo những hạn chế sản xuất do nguồn cung các sản phẩm trung gian thiếu hụt", văn phòng cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, sản lượng ô tô và phụ tùng ô tô giảm 17,5% so với tháng trước. Các công ty xe hơi của Đức đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt sau đại dịch kể từ đầu năm do thiếu vi mạch và các sản phẩm trung gian khác.
Nhà sản xuất ô tô BMW (BMWG.DE) cho biết doanh số giao hàng của tập đoàn này đã giảm 12,2% trong quý 3 do ảnh hưởng của sự thiếu hụt vi mạch.
Nhân viên tại dây chuyền lắp ráp Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Hôm 5/10, ông chủ hãng xe tải Daimler (DAIGn.DE) Martin Daum cho biết ông dự kiến tình trạng thiếu chip toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất trong năm tới.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ giao ít hơn mức chúng tôi có thể bán được và điều đó cũng áp dụng cho năm tới”, ông nói và cho biết thêm rằng không thể nói được mức độ thiếu hụt sẽ lớn như thế nào.
"Đó là một cuộc chiến cho mọi con chip", ông chủ hãng xe tải Daimler Martin Daum nói thêm.
Dữ liệu chính thức công bố hôm 6/10 cho thấy các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 8 do nhu cầu từ nước ngoài yếu hơn sau 2 tháng tăng mạnh bất thường bởi các hợp đồng lớn.
Tuy nhiên, viện kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich cho biết riêng rằng cuộc khảo sát của họ về kỳ vọng sản xuất đã tăng vào tháng 9.
Nhà kinh tế Klaus Wohlrabe của Ifo cho biết: “Các sổ sách đặt hàng vẫn còn đầy, chỉ có sự tắc nghẽn về nguyên vật liệu đang gây ra vấn đề và làm giảm phần nào kế hoạch sản xuất”.
Thomas Gitzel, chuyên gia kinh tế tại VP Bank cho biết: "Nếu dòng nguyên vật liệu tiếp tục quay trở lại, thì các điều kiện sẵn sàng cho một sự trỗi dậy mạnh mẽ trong hoạt động công nghiệp".
Carsten Brzeski, tại ING, nói rằng hiện tại có vẻ như xu hướng tăng trưởng sẽ "đến muộn thay vì sớm hơn".
Riêng biệt, giá các tòa nhà dân cư mới xây đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1970. Giá tiêu dùng ở Đức tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Jens-Oliver Niklasch, nhà kinh tế học tại LBBW nhận xét, thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng cao và ngừng sản xuất có thể dẫn đến lạm phát đình trệ.
Theo Kinh tế chứng khoán