2 'đại gia' ngành bia làm ăn ra sao trong mùa dịch COVID-19?

NHVN 15:16 03/08/2021

Không nằm ngoài tác động của đại dịch COVID-19, Sabeco và Habeco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong quý II sụt giảm đáng kể bởi ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách xã hội.

Sabeco ghi nhận nhiều chi phí tăng đột biến
Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco trong quý II là 7.226 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp trong quý II đạt 2.263 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Sabeco trong quý II năm nay đạt 1.071 tỷ đồng, giảm 12% so với quý II năm trước.

Công ty giải thích, nguyên nhân lợi nhuận giảm và doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, Sabeco cho rằng là do sự bùng phát làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.

Tác động của dịch COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận của Sabeco trong quý II sụt giảm

Trong cơ cấu chi phí, chi phí tài chính ghi nhận mức 7,3 tỷ đồng, giảm 138% so với cùng kỳ năm trước; lãi/lỗ trong công ty liên kết ghi nhận 12,7 tỷ đồng, giảm 78% cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp là 96,3 tỷ đồng, giảm 54%.

Trong khi đó, một số khoản chi phí tăng lên trong giai đoạn quý II/2021, cụ thể chi phí bán hàng tăng 39% so với cùng kỳ, ghi nhận mức 1.101 tỷ đồng; “chi phí khác” tuy có quy mô không lớn trong cơ cấu chi phí, nhưng lại gây chú ý về tốc độ tăng 210% so với cùng kỳ, ghi nhận giá trị hơn 8 tỷ đồng trong quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.088 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, Sabeco còn tăng nguồn thu từ hoạt động tài chính gần 30% lên 634 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng mạnh. Trong đó, khoản chi lớn nhất dành cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi tăng hơn 60% lên 1.246 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, Sabeco bỏ ra gần 7 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi. Chi phí nhân viên bán hàng cũng tăng 35% lên 424 tỷ đồng.

Sau khi hạch toán mọi chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 2.057 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh trên, Sabeco mới chỉ hoàn thành 40% chỉ tiêu đề ra. Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.289 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông, hiện sở hữu nước ngoài đang chiếm 62,77% cổ phần tại Sabeco, sở hữu nhà nước là 36%, còn lại là sở hữu khác.

Cuối năm 2017, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,59% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. Vietnam Beverage được thành lập để đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage (ThaiBev) trong thương vụ thâu tóm Sabeco.

Thông qua công ty con Vietnam Beverage, ThaiBev đã thâu tóm Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ M&A kỷ lục được thực hiện trong 10 năm qua, thậm chí còn lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á khi đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD hồi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger vào năm 2012. Ngoài ra, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Vào tháng 8 năm ngoái Bộ Công Thương đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Cổ đông Nhà nước hiện sở hữu 36% vốn tại Sabeco, tương đương 230,8 triệu cổ phiếu. Giá trị vốn đầu tư Nhà nước tại Sabeco lúc chuyển giao về SCIC là gần 2.309 tỷ đồng.

Sau chuyển giao về SCIC, 36% vốn nhà nước tại Sabeco được thoái hết về 0% theo Quyết định 908 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, ngành nghề kinh doanh chính của Sabeco là sản xuất đồ uống, sản xuất chế biến thực phẩm, mua bán các loại bia, cồn - rượu, nước giải khát và lương thực thực phẩm; vật tư nguyên liệu, thiết bị phụ tùng có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát, các loại hương liệu, nước cốt để sản xuất bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm.

Sabeco còn thực hiện đào tạo nghề, nghiên cứu thị trường, tư vấn đầu tư, quảng cáo thương mại, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, bất động sản, xây dựng dân dụng, công nghiệp, lắp đặt, sửa chữa, chế tạo, bảo dưỡng máy móc thiết bị ngành sản xuất bia - rượu - nước giải khát và công nghiệp thực phẩm, dịch vụ môi giới, định giá, sàn giao dịch, tư vấn, đấu giá, quảng cáo, bất động sản.

Habeco hoàn thành 90% mục tiêu lợi nhuận năm
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã CK: BHN) cũng ghi nhận kết quả kinh quý II doanh đi xuống tương tự như Habeco

Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa được công ty này công bố cho thấy, doanh thu thuần trong quý II đạt 1.936 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Giá vốn trong kỳ giảm ít hơn so với doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp giảm 10% còn 511,5 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm nhẹ 0,4 điểm phần trăm trong quý II xuống còn 26,4%.

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội

Chi phí bán hàng tăng 15% lên 249 tỷ đồng chủ yếu từ các khoản về quảng cáo, khuyến mại và các chi phí khác. Việc tập trung nguồn lực vào các chương trình khuyến mại được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa rồi.

Chiến lược này sẽ khiến công ty cạnh tranh trực tiếp vào phân khúc phổ thông - hiện đang có sự tham gia mới của rất nhiều thương hiệu như Sabeco hay Bia HUDA của Công ty TNHH Bia Huế,...

Các chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều giảm do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, chi mua ngoài.

Lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 182 tỷ đồng trong quý II, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông 147 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng như Sabeco, nhờ tăng trưởng quý I cao dựa trên nền so sánh thấp, doanh số và lợi nhuận của Habeco sau 6 tháng vẫn tăng trưởng. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.312 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 58% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty 210 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.

Năm 2021, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 5.391 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 255 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã đạt khoảng 61% mục tiêu doanh thu và 90% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Habeco đạt 7.175 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.857 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm, chiếm gần 40% tổng tài sản.

Tổng nợ phải trả của Habeco đạt gần 1.907 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 185 tỷ đồng, giảm 42% so với đầu năm. Nợ vay chiếm khoảng 3,5% vốn chủ sở hữu tính ở thời điểm cuối quý II.

Về cơ cấu cổ đông, hiện nhà nước (Bộ Công Thương) đang chiến 81,79% vốn tại Habeco, sở hữu nước ngoài là 17,43%, còn lại là các sở hữu khác.

Đáng chú ý, trong 17,43% sở hữu nước ngoài tại Habeco thì Công ty Carlsberg Breweries A/S chiếm 17,34%. Carlsberg Breweries A/S là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và thực hiện đầu tư đầu tiên của mình vào năm 1993. Không chỉ tự mình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, Carlsberg Breweries A/S còn khẳng định vị trí của mình trên thị trường bia rượu bằng cách đầu tư vào các công ty trong nước.

Năm 1994, Carlsberg Breweries A/S đã mua 50% cổ phần của Nhà máy Bia Huế - đơn vị dẫn đầu thị trường miền Trung Việt Nam. Năm 2009, Carlsberg tiếp tục gây chú ý khi trở thành một trong các nhà đầu tư chiến lược của Habeco sau khi mua lại 17,34% cổ phần Habeco.

Tại Việt Nam, Habeco hiện là nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ 2, chỉ sau Sabeco. Tính đến năm 2019, hãng bia này sở hữu 18,4% thị phần tiêu thụ bịa tại Việt Nam, lớn thứ 3 thị trường.

Báo cáo phân tích triển vọng ngành bia của Công ty Chứng khoán FPTS từng cho biết Habeco là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc (chiếm 35% lượng tiêu thụ bia cả nước) với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội.

Tuy nhiên, phân khúc bia của Habeco chủ yếu là trung bình và giá rẻ với các loại bia vỉa hè, trong khi những năm gần đây người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại bia cao cấp hơn. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần của Habeco.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/nganh-bia-viet-nam-lam-an-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-36164.html?fbclid=IwAR3EHSBQFSJPuLfjPba6AiZr8b_newpB_lwI9TDIlMAnD3B9w-irmyQReO4

Bạn đang đọc bài viết 2 'đại gia' ngành bia làm ăn ra sao trong mùa dịch COVID-19? tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp