Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân được điều chỉnh giảm. Đối với kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank giảm xuống dưới 5,0%/năm. Theo đó, với số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất chỉ còn 4,6%/năm, trên 3 tỷ đồng chỉ còn 4,9%/năm. Đối với khách hàng ưu tiên, lãi suất tối đa cho kỳ hạn này cao nhất cũng chỉ là 5,2%/năm.
Đáng nói, với các kỳ hạn dài (trên 18 tháng) mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho khách hàng thường chỉ dao động từ 4,95 – 5,5%/năm tùy số tiền gửi; với khách hàng ưu tiên lãi suất không quá 5,6%/năm.
Trong khi đó tại Vietcombank, Vietinbank, BIDV lãi suất cao nhất được áp dụng cho các kỳ hạn dài chỉ dao động quanh 6,0 – 6,1%/năm.
Còn tại các ngân hàng như HDBank, các kỳ hạn 12, 13, 15, 18 tháng mức lãi suất phổ thông dao động quanh 6,6 – 6,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng là 6,3%/năm. Riêng kỳ hạn 12 và 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng được áp dụng lãi suất lần lượt là 7,4 và 7,5%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng. Trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 31/8, huy động vốn tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 4,55% so với cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng tín dụng là 3,68% so với cuối năm ngoái.
Về lãi suất cho vay, vừa qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm lãi suất cho vay. Các khách hàng cá nhân tham gia gói vay 30.000 tỷ đồng tại BIDV từ 28/8 đến 30/9 sẽ được hưởng lãi suất giảm thêm khoảng 0,5% mỗi năm, còn từ 5,5% một năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 6% mỗi năm đối với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng.
Từ ngày 5/8, BIDV đã hạ lãi suất vay trung dài hạn từ 0,1% đến 0,2% mỗi năm tùy kỳ hạn đối với các khoản vay nhu cầu nhà, vay mua ôtô, vay sản xuất kinh doanh từ 36 tháng.
Ngoài BIDV, các ngân hàng khác như SHB, VPBank… cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các gói tín dụng ưu đãi đã đưa ra trước đó.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, với các khoản cho vay mới cũng như dư nợ cho vay cũ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng sử dụng chính nguồn lực bản thân, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức…
“Từ đó, có nguồn lực tài chính, giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ với con số đáng ghi nhận. Với các khoản cho vay mới, theo mức lãi suất thấp hơn. Ví dụ gần đây, lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 7/2020 so với cuối 2019 đã giảm 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2020 diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng nội địa; thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.