Chứng khoán hút tiền trở lại
Báo cáo của Fiintrade, đơn vị cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính, cho thấy trong tuần trước, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn giao dịch HOSE đạt 18.284 tỷ đồng, tăng 17% so với tuần trước đó nhưng tăng lần lượt đến 48,7% và 66% nếu so với mức trung bình 5 tuần và 20 tuần trước đó.
Trong đó, chiếm đáng kể là dòng tiền từ nhóm các nhà đầu tư cá nhân. Tuần trước, nhóm này mua ròng đến 503 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi khối ngoại và tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng, lần lượt là 503 tỷ đồng và 548 tỷ đồng. "Nhà đầu tư cá nhân trong nước chủ yếu bán đối ứng cho nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này kéo dài 3 tuần liên tiếp", báo cáo của Fiintrade nhận định.
Thực tế, không chỉ trong những ngày đầu giao dịch của tháng Sáu mà ngay từ tháng 5, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đã trở nên rất sôi động. "Thị trường chứng khoán đang sôi động hơn nhờ động lực từ dòng tiền cá nhân trong nước trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang đi xuống", báo cáo chiến lược tháng 5 của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Thông tin vĩ mô tích cực hơn là lý do giúp thị trường cải thiện niềm tin. Trong đó, yếu tố đầu tiên được nhắc đến nhiều nhất là mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm, đặc biệt sau ba lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 3 đến nay (lần giảm gần nhất là vào gần cuối tháng 5 vừa qua).
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, lãi suất huy động có xu hướng giảm trong thời gian qua là nguyên nhân chính giúp thị trường tăng điểm vì các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao.
"Nếu như cuối năm ngoái thị trường giảm điểm mạnh, nhà đầu tư có xu hướng gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao vì chưa tìm kiếm được cơ hội thì nay, khi các khoản tiền gửi đáo hạn, lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư không còn mặn mà nữa", ông Minh nói.
Yếu tố khác được lý giải là do sự kỳ vọng của thị trường vào sự hồi phục của kinh tế vào hai quí cuối năm, các nỗ lực tìm kiếm và triển khai giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. "Nhìn vào kết quả kinh doanh hay vĩ mô thì chưa có sự cải thiện đáng kể nhưng thị trường vẫn hút dòng tiền vì nhà đầu tư kỳ vọng tình hình sáu tháng cuối năm khả quan hơn bây giờ, trước mắt là việc Fed hy vọng ngừng tăng lãi suất", ông Minh nói.
Cẩn trọng dòng tiền "đầu cơ"
Dù còn đó những lo ngại, thế nhưng giá cổ phiếu và chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhưng dòng tiền "nóng" còn duy trì đến khi nào thì khó ai có thể trả lời, dù theo các nhóm phân tích từ công ty chứng khoán là thị trường sẽ sớm có nhịp điều chỉnh. Theo báo cáo của Fiintrade, chỉ số VN-Index đang ở vùng đỉnh trong khoảng thời gian 52 tuần, do đó, câu chuyện tâm lý sẽ đóng vai trò quan trọng.
Theo đại diện Yuanta Việt Nam, dòng tiền hiện vẫn chưa thực sự mạnh mẽ như giai đoạn năm 2021, quy mô tham gia vừa rồi chưa phải là quá mạnh mà dòng tiền luân chuyển liên tục qua nhiều ngành nghề khác nhau. "Nhà đầu tư chưa hoàn toàn cởi bỏ sự thận trọng", ông Minh đánh giá.
Từ phía vĩ mô, câu chuyện lãi suất giảm được viện dẫn là lý do giúp thị trường đi lên vào cuối năm, đặc biệt là khi nhiều khoản tiền gửi với lãi suất cao đáo hạn trong thời gian tới, sẽ đối diện với mặt bằng lãi suất thấp.
Theo đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-,68%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa vào năm 2024. “Dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023”, trích báo cáo của VNDirect.
"Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác khi mà trong nửa cuối năm 2023 sẽ có hàng trăm triệu đô la Mỹ tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Các cuộc khảo sát môi giới của chúng tôi cho thấy nhu cầu vay ký quỹ đang dần gia tăng", báo cáo của Công ty chứng khoán Dragon Capital đánh giá tương tự.
Nhóm phân tích của Công ty quản lý này cũng cho rằng thị trường hiện nay đang ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, sau khoảng thời gian nằm ở "vùng đáy", nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách vĩ mô. Theo đó có 4/5 tiêu chí chuyển biến tích cực, gồm lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản cải thiện và giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.
Nhìn xa hơn, bức tranh dòng tiền còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, với triển vọng lợi nhuận yếu. Điều này cùng với các biến số vĩ mô bất định có thể khiến cho sự kỳ vọng hiện nay trên thị trường chứng khoán đi chệch hướng.
Bên cạnh đó, một rủi ro lớn nội tại hiện nay vẫn liên quan đến thanh khoản nhóm doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trái phiếu. Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện các đợt đáo hạn với quy mô lớn trong quí II và quí III và giải quyết ra sao vẫn còn là một câu hỏi chưa ai có thể trả lời ngay.
Mặt khác, thị trường muốn đi lên bền vững hơn thì cần thêm dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có nền tảng cơ bản tốt hơn, thay vì nhóm vốn hóa nhỏ và mang tính đầu cơ như hiện nay...