Kiểm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đầu tuần trước, đồng NDT giao dịch ở ngưỡng 7,1965 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Để "giải cứu" đồng NDT, ngày 29/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thực hiện việc áp đặt “điểm giữa” cho giới hạn ngưỡng giao dịch ngoại tệ ở mức 7,1316 NDT đổi 1 USD.
Vào tháng 8/2019, khi giá trị đồng NDT vượt qua ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD - ngưỡng giao dịch được cho là quan trọng - trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Khi đó, Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ và xem xét các biện pháp trừng phạt nhiều hơn, cho đến khi “thỏa thuận ngừng bắn” kết thúc vào cuối năm ngoái, với việc Trung Quốc cam kết tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Dưới áp lực của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, bất kể là do tác động từ đại dịch hay sự bùng phát các “ma sát” mới, Trung Quốc đang thực hiện các cam kết mua hàng. Tuy nhiên, giá trị của đồng NDT đã giảm 3% kể từ tháng Ba.
Sự can thiệp của PBoC vào cuối tuần trước có thể được xem là một nỗ lực nhằm “xoa dịu” rủi ro đối với đồng NDT, trong trường hợp giá trị của đồng tiền này trở nên yếu hơn do mối quan hệ ngày càng xấu với Mỹ, nhưng nhiều khả năng đó là hành động xuất phát từ chính các mối lo ngại trong nước của quốc gia lớn nhất châu Á.
Đồng NDT giảm giá có thể đem lại một số lợi ích cho Trung Quốc, vào thời điểm mà đại dịch COVID-19 đang tạo ra các tác động tiêu cực. Nhưng đồng thời sự rớt giá của đồng NDT “cuốn phăng” tăng trưởng kinh tế và có vẻ như sẽ tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc trong ít nhất là nửa cuối năm nay.
Trong quý I/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã sụt giảm 6,8%, và lần đầu tiên trong vòng ba thập kỷ, cường quốc châu Á quyết định từ bỏ việc áp đặt bất kỳ mục tiêu tăng trưởng nào cho năm nay.
Tăng trưởng kinh tế sụt giảm diễn ra vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát khiến Mỹ nhận thức rằng cần phải di chuyển dòng vốn đầu tư tới một quốc gia khác an toàn hơn và củng cố đồng USD. Điều này giải thích phần lớn cho sự giảm giá của đồng NDT.
Tuy nhiên, một đồng tiền yếu sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn, giảm tải tác động thuế quan của Mỹ, cũng như “hạ nhiệt” những ảnh hưởng từ đại dịch đối với tăng trưởng toàn cầu, vốn là nguyên nhân khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên “đắt đỏ” hơn.
Sự gia tăng cạnh tranh và việc các biện pháp thuế quan bị giảm hiệu quả là những gì mà Mỹ đang chú ý tới. Mặc dù vậy, có một giới hạn về mức độ và tỷ lệ giảm giá đồng tiền mà PBoC sẽ lưu tâm đến.
Vào năm 2015, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp điều chỉnh tiền tệ, gây ra “làn sóng xung kích” đánh vào các thị trường toàn cầu. Tác động đó ảnh hưởng cả tới thị trường nội địa Trung Quốc, làm xuất hiện một cuộc "di cư vốn". Cuối cùng, để chấm dứt hiện tượng thất thoát vốn, Trung Quốc đã sử dụng khoảng 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ để "cứu" đồng NDT.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây có lẽ sẽ càng lo ngại nhiều hơn về rủi ro suy giảm dòng vốn.
Phản ứng của Mỹ đối với Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hong Kong (thường gọi là đạo luật an ninh Hong Kong) có thể dẫn đến nguy cơ thoái vốn, đồng thời gây ra những bất ổn khác.
Hong Kong (Trung Quốc) từ lâu đã là một kênh dẫn vốn từ rất nhiều các quốc gia phương Tây chảy vào Trung Quốc, cả với mục đích thương mại hay tài chính. Nơi đây cũng là "kho dự trữ" của nhiều nguồn vốn có xuất phát điểm từ Trung Quốc Đại lục, là nơi "trú ẩn an toàn" của những người giàu có.
Nếu đồng NDT tiếp tục giảm giá, PBoC có thể sẽ cố gắng đảm bảo việc kiểm soát và hỗ trợ tăng giá cho đồng tiền này, tránh tạo ra một mặt trận khác trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang ngày càng gia tăng với Mỹ, cũng như giảm thiểu khả năng gây hoang mang cho chính các công dân Trung Quốc và nhà đầu tư Hong Kong.
Nếu Mỹ thực sự áp đặt thuế quan và các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc, thì PBoC sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại nguy cơ thất thoát dòng vốn, trừ khi chi thêm hàng nghìn tỷ USD dự trữ vào thị trường.
Sự rớt giá của đồng NDT dường như sẽ tiếp tục, do những hệ quả từ cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ không giúp xoa dịu những căng thẳng của Chính quyền Mỹ luôn bị ám ảnh về thương mại, cũng như không hữu ích cho khu vực hay nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bị đại dịch khóa chặt.
Đồng NDT giảm giá sẽ khiến giảm phát xuất khẩu “tràn” vào nền kinh tế thế giới, gây tác động bất lợi cũng như bất ổn cho phần còn lại của châu Á, trong thời điểm kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương.
Theo Viêtnambiz