Ngân hàng không thể mãi “bóc ngắn, cắn dài”

NHVN 11:36 29/05/2020

Để hạn chế rủi ro cũng như nâng tầm quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, ngân hàng không thể mãi “bóc ngắn, cắn dài”.

Lộ trình giảm dần trong 3 năm là phù hợp

Việc giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng theo lộ trình tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ 1/1/2020 - 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn là 40%; từ 1/10/2020 - 30/9/2021 giảm về 37%; từ 1/10/2021 - 30/9/2022 tiếp tục giảm xuống 34% và từ 1/10/2022 là 30%. Lộ trình đã được đưa ra nên các ngân hàng khó có thể gia hạn thêm thời gian.

Theo lý giải của NHNN, việc điều chỉnh là nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từng bước kiểm soát rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng trước những thay đổi từ thị trường, góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Cũng theo NHNN, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn hàng năm từ 3 - 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn trung - dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...

Nhiều nhà băng cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã đáp ứng mức quy định 40%. Ảnh minh họa

Thực tế, tại Việt Nam, các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi tập trung cho vay trung - dài hạn khiến cơ cấu nguồn vốn dễ mất cân bằng. Để cân đối lại, các nhà băng phải chạy đua huy động lãi suất cao ở kỳ hạn dài ngày, từ 8 - 8,7%/năm, thậm chí phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 2 - 3 năm với lãi suất lên đến 9%/năm.

Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc kiểm soát tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo hướng giảm dần đã được đề cập và phân tích nhiều trong thời gian qua. Thực tế, trước khi đưa ra quyết định, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến từ thị trường cũng như các cơ quan hữu quan, từ đó đánh giá thực trạng để hạn chế các tác động từ sự điều chỉnh chính sách tới các chủ thể liên quan, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Bởi vậy, việc NHNN đưa ra lộ trình giảm dần trong 3 năm để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị, cũng như tránh tác động ngay lập tức đến doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

“Đây là mức điều chỉnh khá nhẹ nhàng và phù hợp. Trên thực tế, đã có nhiều ngân hàng đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về mức 30 - 35%, nhưng cũng có ngân hàng vẫn ở mức hơn 40%. Nếu NHNN yêu cầu giảm nhanh, giảm gấp, thì những ngân hàng có tỷ lệ này ở mức cao sẽ khó mà xoay xở kịp. Điều này tác động không tích cực đến cả ngân hàng và doanh nghiệp”, ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, khoảng thời gian 3 năm là đủ để các ngân hàng chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định của NHNN. Để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng cần trách nhiệm hơn, tính toán kỹ hơn khi cho vay các khoản vay trung - dài hạn. Theo đó, ngân hàng chỉ nên là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn doanh nghiệp muốn vay vốn trung - dài hạn thì phải ra thị trường vốn.

Nhiều ngân hàng đáp ứng quy định

Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2020, nhiều nhà băng cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã đáp ứng mức quy định 40%.

Đơn cử, tại Techcombank, đến cuối năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn ở mức 38,4% và duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 76,3%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột 1 Basel II. Tổng tài sản tăng 19,5% so với cuối năm 2018, đạt 383.7000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,8%. Tổng huy động tăng 14,8%, đạt 231.300 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 37,9%, lên 79.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,5% trong tổng huy động - cao nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,3% - nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống.

Với VIB, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn còn ở mức thấp hơn, đạt 30% vào cuối năm 2019. Tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank hay HDBank, tỷ lệ này cũng đều dưới 40%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, 14 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn Thành phố cùng đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là 40%. Theo ông Minh, các ngân hàng gần như không dám “vượt rào” bởi khi bị phát hiện, NHNN sẽ phạt nặng. Thậm chí, ngân hàng vi phạm sẽ không được phát triển mạng lưới, nhân sự...

Số liệu công bố của NHNN tính đến cuối tháng 8/2019 cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn toàn hệ thống đạt 27,61%; trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân ở mức 30,91%, còn nhóm ngân hàng có vốn nhà nước ở mức 30,61%, các công ty tài chính và cho thuê tài chính ở mức 36,75%...

Có thể thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng nhìn chung vẫn ở dưới mức quy định. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn ở mức cao tại nhiều ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ.

Thực tế, việc “bóc ngắn, cắn dài” đặt ngân hàng trước thách thức làm sao để vừa đủ vốn phục vụ nhu cầu cho vay, vừa đảm bảo vấn đề thanh khoản. NHNN cho biết, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa có sự quản lý tốt giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiện không đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn. Các ngân hàng này khi gặp khó khăn về nguồn vốn sẽ phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, khiến mặt bằng lãi suất tăng, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước. Việc các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn quá nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng, nên rủi ro thanh khoản và nợ xấu là điều khó tránh.

Trong 20 năm qua, NHNN đã có 7 lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung - dài hạn. Đáng chú ý, giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2015, NHNN đã “mở” quy định về tỷ lệ giới hạn với Thông tư 13/2010/NHNN. Sau đó, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 36/2014/NHNN quy định trở lại tỷ lệ giới hạn 60%, rồi giảm về 45% và 40% từ ngày 1/1/2019.

“Định hướng giảm rủi ro thanh khoản thông qua giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã được đưa ra từ hơn 2 năm trước, nên các ngân hàng đã đủ thời gian chuẩn bị. Vì vậy, NHNN không nên tiếp tục giãn lộ trình để tránh tạo tiền lệ xấu, cũng như ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan quản lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Link gốc : https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/ngan-hang-khong-the-mai-boc-ngan-can-dai-328541.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng không thể mãi “bóc ngắn, cắn dài” tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Nhiều doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ “đóng băng”, đến nay vẫn khó khăn do hàng tồn kho nhiều, không có nhu cầu vay vốn, dẫn đến tiền ứ đọng tại các ngân hàng thương mại.