Hành trình tất yếu của các ngân hàng trong thời đại mới

NHVN 14:58 29/05/2020

Trước bối cảnh hội nhập với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế ứng dụng công nghệ trong các ngành nghề đã tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ cho toàn bộ hệ thống sản xuất - kinh

Công nghệ số hiện diện trong cách thức sinh hoạt, từ làm việc tới tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân. Đối với ngành tài chính ngân hàng, nhu cầu chuyển đổi số hóa sẽ ngày càng cấp thiết hơn.

Chuyển đổi có thể bắt đầu từ những chuyển biến nhỏ nhất, ví dụ từ thanh toán bằng mã QR đến những cải thiện lớn hơn như cho vay số hóa, số hóa các hoạt động trong ngân hàng và chuyển đổi tư duy chiến lược kinh doanh sang một tư duy chiến lược kinh doanh số toàn diện.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số hóa. Cơ cấu dân số vàng với khoảng 58% tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và thói quen sử dụng tiền mặt như một phương tiện thanh toán chính đang tạo tiền đề cho sự phát triển sâu rộng của các dịch vụ tài chính số.

Tỷ lệ người sở hữu smartphone là 44,92 triệu người và tính đa dạng của các loại hình dịch vụ trên mạng Internet và điện thoại di động dần thay đổi nhận thức của khách hàng về các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam.

Khách hàng thời đại mới am hiểu công nghệ, ưa thích sử dụng các kênh kỹ thuật số và mong muốn có một trải nghiệm số hóa nhất quán, liền mạch và tức thời.

Thêm vào đó, thế hệ gen Z đã bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động từ năm 2020. Khác với thế hệ bố mẹ hay anh chị của mình khi họ có một giai đoạn “quá độ” để chuyển từ “thế giới analog” sang “thế giới số”, gen Z sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số với sự bùng nổ của Internet, “thế giới số” là thế giới duy nhất mà gen Z biết đến.

Để chuẩn bị cho nhu cầu của những khách hàng tiềm năng này trong tương lai, chuyển đổi số khi đó sẽ không chỉ là “giá trị gia tăng” đối với sản phẩm, dịch vụ, mà trở thành “tất yếu” phải có.

Chuyển đổi số được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của khách hàng, cũng như mục tiêu cải thiện cải thiện hiệu quả hoạt động, đã dẫn đến sự xuất hiện của các mô hình ngân hàng mới.

Chuyển đổi này sẽ dẫn dắt mô hình ngân hàng đi từ “ngân hàng vật lý” đến “ngân hàng omnichannel”, phát triển lên mô hình ngân hàng số không chi nhánh “virtual bank” hay các ngân hàng thế hệ mới “neo bank” và cuối cùng là các ngân hàng có nền tảng mở “open platform bank”, trên đó có sự hiện diện của các đối tác ngoài ngân hàng để mang đến sự tiện dụng, “tất cả trong một” cho khách hàng.

Hiện tại, chưa ngân hàng nào trên thế giới thực sự có nền tảng mở toàn diện. Tuy nhiên, các ngân hàng đang rất tích cực để xây dựng các mô hình hợp tác với bên thứ 3 thông qua chia sẻ về dữ liệu, khách hàng…

Tự động hóa các quy trình back-end để cải thiện hiệu quả hoạt động

“Tự động hóa” là một khái niệm không hoàn toàn mới, tuy nhiên, tự động hóa trong hoạt động
back-end (hoạt động không nhìn thấy được) của ngân hàng có nghĩa như thế nào?

Tự động hóa đối với ngân hàng có thể bao gồm các thao tác đơn giản, lặp đi lặp lại, số lượng xử lý lớn đến các quy trình phức tạp hơn như đăng ký và phê duyệt khoản vay. Dù đơn giản hay phức tạp thì để tự động hóa được, yêu cầu đặt ra là phải “quy tắc hóa” được các thao tác hay quy trình này.

Đối với các quy trình tự động hóa phức tạp, thông thường sẽ đặt ra các yêu cầu về dữ liệu số đầu vào để xử lý tự động, ví dụ như các dữ liệu giao dịch được sử dụng làm thông tin đầu vào để tính toán hạn mức phê duyệt đối với các khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh các dữ liệu truyền thống, ngân hàng có thể hợp tác với các bên thứ ba để tiếp cận các nguồn dữ liệu phi truyền thống cho hỗ trợ đánh giá rủi ro, chấm điểm tín dụng và định giá các khoản vay; từ đó, tận dụng công nghệ phân tích dữ liệu để tối ưu hóa toàn bộ quy trình cho vay.

Một số ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam đã triển khai sản phẩm cho vay trực tuyến trên các kênh ngân hàng số của mình; ví dụ ngân hàng số OCTO của CIMB, $NAP của FE Credit… Các bước từ đăng ký, phê duyệt, cho tới giải ngân hoàn toàn không cần chứng từ giấy và được thực hiện trực tuyến trên ứng dụng.

Rút ngắn khoảng cách địa lý với công nghệ Blockchain

Đặc biệt, các sản phẩm tài trợ thương mại cũng đang trải qua cuộc cách mạng số hóa với công nghệ Blockchain (chuỗi khối). Năm 2019, giao dịch tín dụng thư (L/C) đầu tiên sử dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam đã được HSBC (thông qua hợp tác với Voltron) cung cấp cho Công ty Nhựa Duy Tân (nhà nhập khẩu Việt Nam) và Ineos Styrolution (nhà xuất khẩu Hàn Quốc).

Giao dịch này được thực hiện từ đầu đến cuối thông qua một nền tảng duy nhất - Voltron, giúp giảm thời gian trao đổi các chứng từ, từ 5-10 ngày xuống còn 24 giờ.

Quy trình này giúp tăng năng suất của các ngân hàng do tất cả các thông tin được cập nhật tức thì, loại bỏ quy trình xử lý chứng từ kéo dài, và tăng tính thanh khoản, minh bạch và an toàn hơn.

Ứng dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng cũng đang có những thử nghiệm thành công.

Trong năm 2018, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng VIB, VietinBank và TPBank thử nghiệm thành công mô hình chuyển tiền 24x7 bằng công nghệ Blockchain.

Kết quả sau 4 tuần thử nghiệm, Blockchain đã hoàn thiện các nghiệp vụ như xử lý giao dịch, đối soát, tra soát tức thời. Không chỉ giao dịch chuyển tiền trong nước, giao dịch chuyển tiền quốc tế nhờ công nghệ Blockchain cũng đã có thể giảm thời gian xử lý xuống chỉ còn vài phút.

TPBank là ngân hàng đầu tiên cung cấp thành công dịch vụ chuyển tiền từ Nhật Bản về Việt Nam, thông qua kết nối với RippleNet. Sắp tới, ngân hàng này dự kiến sẽ phát triển kênh thanh toán tương tự cho các khách hàng tại Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ngày càng cao tại thị trường này và khẳng định vị thế tiên phong về hoạt động số hóa của mình.

Bối cảnh pháp lý trong môi trường đổi mới

Thay đổi trong hành vi của khách hàng, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới và thay đổi trong mô hình kinh doanh đang khiến các cơ quan quản lý điều chỉnh lại hệ thống luật pháp và xây dựng các quy định mới.

Quyết định 986/2018/QĐ-TTg và Quyết định 34/2019/QD-NHNN cho thấy, việc chuyển đổi số hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đang được Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ trong chương trình hành động của ngành ngân hàng, thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP cũng đã mở ra cánh cửa đầu tiên cho ngân hàng số, thông qua việc cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ.

Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng hiện các giao dịch liên quan đến công nghệ mới.

Đây là quy định mang tính bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ số, tạo tiền đề cho các ngân hàng hoàn thiện và lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm mang tính chất đổi mới và đột phá.

Ngoài ra, các công nghệ mới nổi như Blockchain, Open API cũng được NHNN đặc biệt quan tâm và tập trung nghiên cứu như một phần của đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, dự kiến sẽ được đệ trình Chính phủ vào tháng 6/2020.

Xây dựng mô hình hợp tác tương hỗ với các công ty Công nghệ Tài chính (Fintech)

Về phía các ngân hàng, những ràng buộc nghiêm ngặt về mặt pháp lý cũng như khuôn khổ pháp luật chưa hoàn thiện đối với ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân khiến cho ngân hàng còn băn khoăn trong việc triển khai các giải pháp đổi mới, hoặc đi chậm hơn so với các công ty Fintech.

Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác với Fintech sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận các công nghệ mới một cách dễ dàng hơn và tích hợp vào hệ thống sẵn có theo một quy trình phát triển linh hoạt và nhanh chóng.

Cùng với đó, quan hệ đối tác sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thiết kế các giải pháp đáp ứng kịp thời các yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Các ngân hàng cũng đã và đang áp dụng các mô hình hợp tác như mô hình chiến lược số hóa tự thân, mua lại hoàn toàn, đầu tư mạo hiểm hoặc ươm mầm... để gắn kết với các Fintech trong quá trình nâng cao trải nghiệm người dùng, tập trung phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ thông tin khách hàng.

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Link gốc : https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/hanh-trinh-tat-yeu-cua-cac-ngan-hang-trong-thoi-dai-moi-328047.html

Bạn đang đọc bài viết Hành trình tất yếu của các ngân hàng trong thời đại mới tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn