Covid-19 đã làm tăng nhiều loại chi phí cho ngân hàng trong khi bối cảnh kinh doanh khó khăn hơn. Sẽ mất thời gian để các hoạt động kinh tế xã hội trở lại mức bình thường.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng về y tế, mà còn là vấn đề kinh tế xã hội. Chi phí xã hội tăng lên, sản xuất đình đốn và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các nền kinh tế sẽ phải trải qua những cú sốc từ cả 2 phía cung và cầu.
Chính phủ trên khắp thế giới đã tung ra các chương trình nhằm hỗ trợ nền kinh tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. "Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ mất khá nhiều thời gian để các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường", ông Thành cho biết.
Đối với ngành ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank cho rằng Covid -19 đã tấn công cả trực tiếp và gián tiếp.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank. Ảnh: The Asian Banker. |
Các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều có khăn, một số thậm chí phải tuyên bố phá sản hoặc đóng cửa hoàn toàn. Điều này đã khiến nhu cầu tín dụng giảm và dự kiến làm tăng các khoản nợ xấu, do đó tạo ra chi phí tín dụng đáng kể. Để hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cũng đã miễn, giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ, cơ cấu lại khoản vay và nhiều biện pháp khác; song những điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng.
Các ngân hàng cũng phát sinh thêm chi phí trong việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho nhân viên và khách hàng của họ; từ việc điều chỉnh giờ làm việc theo lịch xen kẽ, đến hỗ trợ thiết lập công việc tại nhà. Những điều này đều khiến chi phí của ngân hàng tăng lên và ảnh hưởng đến hiệu suất của nhân viên.
Tuy nhiên, cũng có sự thay đổi theo hướng công nghệ số, khi nhiều khách hàng chuyển sang giao dịch trực tuyến. Để đáp ứng điều này, các ngân hàng phải thực hiện chặt chẽ để kiểm soát rủi ro không gian mạng và ngăn chặn gian lận.
"Khi Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận trường hợp Covid-19, chúng tôi đã lập tức chuẩn bị kế hoạch liên tục kinh doanh với các cấp độ khác nhau và truyền đạt tới các chi nhánh. Chúng tôi đã theo dõi diễn biến đại dịch một cách chặt chẽ, và kích hoạt từng cấp độ tương ứng để sẵn sàng trong mọi tình huống", ông Thành chia sẻ.
Vietcombank đã đưa ra các cảnh báo cho khách hàng và nhân viên của mình để tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, cho khách hàng thông tin đầy đủ.
Khi tình hình Covid-19 ở Việt Nam trở nên phức tạp hơn, ngân hàng đã tổ chức các nhóm được làm việc tại nhà. Các dịch vụ thiết yếu vẫn được đảm bảo cho khách hàng.
Vietcombank cũng tiên phong trong việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn thông qua các gói hỗ trợ. Trong đó gồm miễn giảm lãi suất và phí dịch vụ, cũng như cơ cấu lại các khoản vay, đồng thời tham gia vào các chiến dịch phúc lợi xã hội và cùng cả nước chống lại virus.
"Dịch Covid-19 đã được khống chế tại Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng, với tất cả nỗ lực của các quốc gia khác, đại dịch này sẽ sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, ý nghĩa và tác động của nó đến nền kinh tế sẽ còn kéo dài", ông Nghiêm Xuân Thành nhận định.
Sẽ mất thời gian để các chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động trở lại đầy đủ. Cũng mất nhiều thời gian để các ngành công nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn phục hồi và phát triển trở lại. Và cũng mất thời gian đáng kể để nền kinh tế toàn cầu trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
"Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, chúng ta có thể thấy một số điều tốt đẹp từ đại dịch. Đã có những thay đổi trong tư duy về chế độ và phương thức làm việc. Ở đó làm tăng tính linh hoạt cho các doanh nghiệp và cá nhân. Sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và giao thức mới cũng được hoan nghênh. Tôi hy vọng rằng, sau khi đại dịch kết thúc, mỗi cá nhân và doanh nghiệp – bao gồm cả các ngân hàng sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho những rủi ro khác có thể phát sinh trong tương lai", Chủ tịch Vietcombank chia sẻ.
Theo Trí thức trẻ