Bơm tiền vào thị trường không phải là giải pháp trọn vẹn cho nền kinh tế |
Nhằm đối phó với tác động từ đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới đang thi nhau bơm tiền vào thị trường. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch khối ngân hàng tư nhân khu vực Đại Trung Hoa thuộc tập đoàn Credit Suisse Đào Đông, xu hướng thanh khoản gia tăng mạnh không thể khiến kinh tế thoát khỏi suy thoái, nhưng lại khiến giá tài sản leo thang. Trong bối cảnh đó, các logic đầu tư trước đây, vốn được cho là hiệu quả, cần được xem xét lại thật kỹ lưỡng.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Economic Journal ngày 22/6, Phó Chủ tịch Đào Đông cho rằng ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm làm tăng thanh khoản cho thị trường. Dòng tiền lan tràn toàn cầu đến từ những chiếc máy in tiền này đã khiến giá cả trên thị trường tài chính tăng rất nhanh, song nền kinh tế thực thể lại không có được sự hồi phục kiểu bật lò xo như kỳ vọng.
Nguyên nhân là do nền kinh tế thực thể chỉ hấp thụ được một phần dòng tiền, còn đại bộ phận chảy vào thị trường tài chính. Do đó, có lo ngại cho rằng mặc dù thị trường hiện nay được thúc đẩy bởi thanh khoản, nhưng trong tương lai khi thanh khoản mất đi, thị trường tài chính sẽ trồi sụt mạnh, đồng thời lợi nhuận từ kênh trái phiếu của ngân hàng sẽ ngày càng thấp.
Theo chuyên gia Đào Đông, cả thế giới đang in tiền, trong đó Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách nới lỏng không hạn định. Chỉ trong ba tháng, bảng cân đối của Mỹ đã tăng khoảng 3.000 tỷ USD.
Cùng thời gian, so với mức đáy thời dịch bệnh, Chỉ số Nasdaq lập kỷ lục mới với mức tăng 45%, Chỉ số Dow Jones và Chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 39,2% và 38,5%. Nguyên nhân là trong khi thanh khoản tăng đột biến, tài sản vẫn là hữu hạn, khiến giá tài sản leo thang.
So với các kênh khác, thị trường chứng khoán vẫn có không gian tiếp tục tăng dù lợi nhuận dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải thận trọng với khả năng biến động gia tăng. Trong môi trường lãi suất thấp, Credit Suisse dự đoán lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tương đối thấp; trong khi trái phiếu bằng đồng USD ở thị trường mới nổi và trái phiếu đầu tư đặc biệt cùng trái phiếu lợi tức cao sẽ có sức hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Đào Đông, trong thời gian dịch bệnh, các nước đều thực thi chính sách phong tỏa nhằm giảm thiểu mức độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, dẫn tới những thay đổi sâu sắc trên thị trường việc làm và lĩnh vực tín dụng. Do đó về mặt kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ không thể tránh được chu kỳ suy giảm bất chấp các chính sách nới lỏng tiền tệ vô hạn định của Fed.
Theo đó, chu kỳ suy giảm của kinh tế có thể nhanh, có thể chậm, nhưng chắc chắn không tránh được và phụ thuộc vào tốc độ phát triển của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, tốc độ hồi phục kinh tế sẽ tương đối nhanh. Tuy nhiên, nếu trường hợp dịch bệnh chưa được kiểm soát, quá trình đi xuống của kinh tế sẽ kéo dài.
Ngoài ra, hiện nay thế giới đang nỗ lực nghiên cứu bào chế vắc xin, lạc quan nhất là sang năm 2021, vắc-xin phòng chống COVID-19 sẽ ra đời. Dù vậy, đây không phải là dự đoán cơ bản về viễn cảnh dịch bệnh bởi hiện nay thị trường vẫn chưa có đáp án chính xác về sự biến chủng của virus, cho nên, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan hết làn sóng này tới làn sóng khác cho đến khi vắc xin thật sự được phân phối.
Theo chuyên gia Đào Đông, chính sách phòng chống dịch bệnh hiện nay của đại đa số các quốc gia lấy việc làm lắng dịu tình hình dịch bệnh làm trọng tâm, như trợ cấp tiền cho người dân. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc mới là nước làm tốt nhất việc cứu thị trường. Trung Quốc phát tiền cho nhân dân nhưng không nhiều và đặt trọng tâm chính sách vào việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, chuẩn bị sẵn sàng cho vòng hồi phục kinh tế tiếp theo.
Trong khi đó, Mỹ-Trung tranh cãi liên miên về nguồn gốc dịch bệnh, nhưng dịch bệnh chỉ là điểm xung đột mới giữa hai nước. Dự kiến trong 20-30 năm tới, quan hệ Mỹ-Trung vẫn tiếp tục lúc lên lúc xuống, lúc "căng" lúc "trùng" và bên tiến bên lùi. Việc hai nước tạm ngừng tranh cãi không có nghĩa quan hệ song phương sẽ chuyển biến tốt mà chỉ là khoảng lặng tạm thời. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ không vì sự xuất hiện của một sự kiện nào đó mà thay đổi căn bản./.
Theo Bnews