Cạnh tranh trung gian thanh toán: An toàn yếu tố hàng đầu

NHVN 09:12 30/06/2020

Quan trọng nhất là việc thúc đẩy trung gian thanh toán phát triển phải đi cùng với những quy định quản lý, quản trị rủi ro.

CTCP hàng không Vietjet mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc góp vốn thành lập công ty con có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 4/2020, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho hai đơn vị là CTCP Thanh toán G (G PAY) và CTCP Công nghệ VIDIVA (VIDIVA); đây đều là hai công ty có tuổi đời còn khá trẻ. Nếu tính từ năm 2018 đến nay, nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực trung gian thanh toán đã diễn ra như: Grab và Moca, VinGroup mua MonPay, Wechat Pay hợp tác với ví Vimo của Nextech (Việt Nam)... Nhiều ngân hàng cũng đã phát triển dịch vụ này như VPBank với ứng dụng YOLO, Ví Việt của LienvietPostBank, TPBank có QuickPay… Không những vậy, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thời gian qua cũng rất nỗ lực để tạo lập hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt.

Thúc đẩy trung gian thanh toán phát triển phải đi cùng quản lý rủi ro

Không khó để nhận ra sự phát triển nhanh của công nghệ trên điện thoại thông minh đồng hành với quá trình thay đổi thói quen của người tiêu dùng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các Fintech dễ dàng đưa dịch vụ mới đến gần với nhóm đối tượng khách hàng cá nhân hơn các đối tượng khách hàng DN, tổ chức. Giới chuyên gia nhận định, tính cạnh tranh giữa dịch vụ mobile banking của ngân hàng và các dịch vụ thanh toán sẽ rất khốc liệt, và cả thị trường trung gian thanh toán cũng như vậy, nên theo chuyên gia, mỗi loại ví điện tử tại Việt Nam cũng sẽ cần lối đi riêng, hướng tới nhóm khách hàng phù hợp.

Ngân hàng Standard Chartered cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế số của khu vực ASEAN hiện tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu hàng năm và dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế số hàng đầu thế giới vào năm 2025. Xu hướng này nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ví điện tử và các hình thức thanh toán số khác sẽ thay thế các phương thức thanh toán truyền thống trong khu vực. Thêm nữa, mặc dù dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản như: thói quen dùng tiền mặt của người dân, độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, hạ tầng CNTT hạn chế, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện…

Tuy nhiên công tác đổi mới, sáng tạo đối với các loại hình sản phẩm, dịch vụ hiện đại cũng sẽ tiêu tốn khá nhiều chi phí tương đối cho việc nâng cấp hoặc thay đổi cơ sở hạ tầng, tuân thủ pháp lý, đo lường rủi ro… Theo chuyên gia, việc thay đổi không nhất thiết sẽ chắc chắn mang lại lợi ích lâu dài nên nhiệm vụ của cơ quan quản lý nói chung là phải đảm bảo cho những lĩnh vực đổi mới sáng tạo không gây bất lợi cho thị trường tài chính, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế. Quan trọng nhất là việc thúc đẩy trung gian thanh toán phát triển phải đi cùng với những quy định quản lý, quản trị rủi ro.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc cao nhất của các hoạt động trung gian thanh toán là phải đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn tiền gửi của người dân, dù kể cả trong trường hợp hoạt động của doanh nghiệp trung gian thanh toán có bị ảnh hưởng, bằng cách tổng số dư của ví điện tử bằng hoặc lớn hơn số tiền tại tài khoản đảm bảo tại ngân hàng.

Đánh giá cao những chính sách thời gian gần đây từ phía cơ quan quản lý đối với việc tạo hành lang phát triển hiệu quả cho lĩnh vực mới như Fintech, song ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng chia sẻ rằng, vẫn có những lĩnh vực cần phát triển thêm, các dịch vụ mới trong Fintech. Đơn cử như giao dịch điện tử hiện nay có nhiều thay đổi nhanh chóng, có nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường song chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Cơ chế sandbox là cơ chế rất phù hợp theo hướng khuyến khích các DN trẻ, DN mới làm những gì mà pháp luật không cấm. Theo ông Tuấn, “về chủ trương chính sách, hiện chúng ta đang kêu gọi nhiều tổ chức, nhà đầu tư có tầm vóc lớn hơn tham gia vào thị trường để Fintech tại Việt Nam phát triển mạnh hơn. Nếu chỉ duy trì ở mức bình bình, an toàn theo kiểu “dò đá qua sông” như trước nay thì có khi sẽ khó có sự phát triển nhảy vọt được, khó theo kịp các nước đã có sự phát triển trong lĩnh vực này ở khu vực ASEAN”.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Fintech là lĩnh vực mới, nên việc xây dựng chính sách cũng nên ưu tiên lợi ích số đông, không lấy một vài trường hợp vi phạm để hạn chế nhu cầu của đa số người dùng cho mục đích chính đáng. Thêm nữa, cũng cần khuyến khích việc Fintech có thể tự phát hiện, theo dõi và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý để ngăn chặn vi phạm nếu có thể xảy ra.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/canh-tranh-trung-gian-thanh-toan-an-toan-yeu-to-hang-dau-103476.html

Bạn đang đọc bài viết Cạnh tranh trung gian thanh toán: An toàn yếu tố hàng đầu tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Stephen Roach, một trong những nhà kinh tế hàng đầu người Mỹ, tỏ ra quan ngại cho một bối cảnh toàn cầu đang thay đổi kết hợp với thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ, lo ngại đây là sụp đổ với đô la.