Sau một thời gian tụt dốc, đồng USD bật tăng trở lại trong tuần này, khiến vàng và nhiều hàng hóa cơ bản khác rớt giá mạnh.
Đâu là những yếu tố dẫn tới sự tăng giá của bạc xanh?
NỚI LỎNG TIỀN TỆ VÀ CHÊNH LỆCH LÃI SUẤT
thước đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác - dao động quanh ngưỡng 94,5 điểm vào cuối giờ chiều ngày thứ Sáu (25/9) theo giờ Việt Nam.
Chỉ số này đã tăng gần 1,7% từ đầu tuần, tăng 2,3% trong vòng 1 tháng trở lại đây, theo đó co hẹp mức giảm từ đầu năm còn dưới 2% - theo dữ liệu từ FactSet.
Do USD tăng giá mạnh, giá vàng đã tụt khỏi mốc 1.900 USD/oz, từ chỗ chạm mốc 2.000 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử hồi đầu tháng 8.
Đợt tăng giá này của USD diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một đợt sụt điểm mạnh trong tháng 9. Điều này phần nào phản ánh rằng USD vẫn được giới đầu tư xem là một "vịnh tránh bão" mỗi khi thị trường tài chính có biến động. Lập luận như vậy giúp xoa dịu những mối lo trước đó rằng USD đang mất dần địa vị vốn có vì sự bấp bênh chính trị ở Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11.
Nhưng theo trang MarketWatch, giới phân tích nói rằng còn có những động lực khác phía sau đợt tăng giá đang diễn ra của đồng USD, thay vì chỉ nhu cầu tìm kiếm sự an toàn. Bằng chứng là vào ngày thứ Ba của tuần này, khi chứng khoán Mỹ tăng điểm, USD vẫn tăng giá.
Đầu tiên phải kể đến việc đồng Euro - sau khi tăng giá mạnh vào đầu tháng này và thử phá mốc 1,2 USD đổi 1 Euro lần đầu tiên trong hơn 2 năm - đã quay đầu giảm sâu. Vào cuối giờ chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam, tỷ giá Euro/USD đã tụt về 1,1644 USD "ăn" 1 Euro, đồng nghĩa với đồng tiền chung châu Âu đã mất giá hơn 2% so với đồng tiền của Mỹ trong tháng 9 này.
Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trở lại ở châu Âu dẫn tới việc bác bỏ ý tưởng trước đó cho rằng các nước châu Âu xử lý đại dịch Covid-19 tốt hơn Mỹ - chiến lược gia vĩ mô toàn cầu Kit Juckes của ngân hàng Pháp Societe Generale viết trong một báo cáo được MarketWatch trích dẫn.
Thứ hai, khả năng các ngân hàng trung ương khác nới lỏng thêm chính sách tiền tệ cũng là một nhân tố quan trọng đưa USD tăng giá, theo ông Juckes.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) đang cân nhắc khả năng hạ lãi suất dưới 0, trong khi Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) được dự báo sẽ hạ lãi suất cơ bản vê 0,1% vào cuối năm nay.
Các chỉ số tương lai (futures) cho thấy dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) sẽ giữ lãi suất ở gần 0 cho tới ít nhất cuối năm 2021, chính sách tiền tệ của Fed vẫn chưa nới lỏng bằng chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Ở mức khoảng 0,2%, lãi suất 3 tháng của đồng USD đang là cao thứ nhì trong số 10 đồng tiền chủ chốt được Bloomberg theo dõi, chỉ sau đồng đô la New Zealand. USD được kỳ vọng sẽ nhảy lên vị trí số 1 trong danh sách này nếu RBNZ thực thi lãi suất âm để hỗ trợ tăng trưởng
THIẾU VẮNG NHỮNG LỰA CHỌN THAY THẾ USD
Hãng tin Bloomberg cũng chỉ ra một số nguyên nhân quan trọng khác đưa USD tăng giá mạnh, bao gồm tính thanh khoản của USD và sự thiếu vắng những lựa chọn thay thế.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch hàng ngày của USD trên toàn cầu lớn gấp 5 lần so với đồng Yên và hơn 2 lần so với đồng Euro, theo một báo cáo hồi tháng 4/2019 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Đối với nhiều nhà đầu tư, suy đi tính lại USD vẫn là một lựa chọn hợp lý để rót vốn trong lúc không có nhiều lựa chọn như hiện nay. Vàng - dù đã tăng giá khoảng 20% từ cuối tháng 3 đến nay - là tài sản không mang lãi suất và trong một số trường hợp khiến nhà đầu tư mất tiền để cất giữ.
Đồng Yên Nhật vốn là một "vịnh tránh bão" truyền thống, nhưng gần đây, mối tương quan tỷ lệ thuận của đồng tiền này với mức độ biến động của thị trường chứng khoán đã giảm mạnh, cho thấy địa vị kênh đầu tư an toàn của Yên đang suy yếu.
"USD sẽ là ‘vịnh tránh bão’ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho tới khi có thông tin mới về vaccine phòng Covid-19, tình hình lợi nhuận của các công ty niêm yết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và các biện pháp kích cầu kinh tế Mỹ", ông Thomas J. Hayes, Chủ tịch quỹ đầu cơ Great Hill Capital LLC, nhận xét với Bloomberg. "Cho tới khi đó, đồng USD có vẻ như đã chạm đáy trong ngắn hạn rồi".
Ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào tháng 3 năm nay, giới đầu tư đổ xô mua USD, khiến đồng tiền này tăng giá mạnh và làm gia tăng chi phí vay vốn trên thị trường hoán đổi tiền tệ. Vì lý do này, Fed phải tăng thanh khoản USD thông qua sự phối hợp hành động với các ngân hàng trung ương khác.
"Đồng USD vẫn nhận được sự tin tưởng lớn với tư cách đồng tiền để nắm giữ khi thị trường có mức độ biến động rất mạnh", chiến lược gia trưởng thị trường châu Á của JPMorgan Chase Asset Management, ông Tai Hui, nhận định. "Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng cho một giai đoạn của biến động thị trường gia tăng mà ở đó đồng USD sẽ càng mạnh lên".
Ngoài ra, vào hôm thứ Ba tuần này, USD còn nhận được một "cú huých" từ phát biểu của Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago, ông Charles Evans. Ông Evans nói Fed có thể sẽ không đợi cho tới khi lạm phát lõi đạt bình quân 2% mỗi năm mới bắt đầu tăng lãi suất. Tuyên bố này được cho là mâu thuẫn với những gì mà các quan chức khác của Fed nói sau cuộc họp vào tuần trước, đồng thời được xem như một tín hiệu rằng cơ quan này có thể nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Dù vậy, theo Bloomberg, lịch sử cho thấy rằng chưa thể khẳng định chắc chắn rằng USD sẽ tiếp tục tăng giá. Hồi tháng 6, USD cũng đã từng tăng mạnh nhưng rồi lại nhanh chóng giảm trở lại khi những mối lo về triển vọng kinh tế toàn cầu dịu bớt.
Ngoài ra, trong một báo cáo, nhà quản lý danh mục Quentin Fitzsimmons thuộc T. Rowe Price cũng cho rằng chiến lược giữ lãi suất ở mức thấp hơn trong thời gian lâu hơn cũng có thể "gây sức ép lên đồng USD".