USD chạm đáy 8 tuần, bảng Anh cao nhất 15 tháng, franc Thụy Sỹ cao nhất 2,5 năm

Vũ Ngọc Diệp 11:18 12/07/2023

Đồng USD tiếp tục lao dốc giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng sau khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Một số quan chức của Fed hôm thứ Hai cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa để giảm lạm phát, nhưng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của họ đang đi đến hồi kết.

Các bình luận đó đã đẩy đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất trong 2 tháng bởi các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng của họ về việc lãi suất của Mỹ có thể phải tăng thêm bao nhiêu. Chỉ số Dollar index, so sánh USD với rổ các tiền tệ chủ chốt, đã giảm 0,3% và chạm mức thấp 101,65 lúc kết thúc phiên thứ Ba (11/7).

So với yên Nhật, đồng USD trong phiên này giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần, là 140,17 JPY, kết thúc phiên vẫn thấp hơn 0,7% so với phiên liền trước, chốt ở mức 140,385 yên. Đồng tiền của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm so với đồng franc Thụy Sĩ và kết thúc ở mức 0,8797 franc, giảm 0,6%.

Matt Weller, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Forex.com và City Index cho biết: “Báo cáo NFP (bảng lương của lĩnh vực phi nông nghiệp) hôm thứ Sáu đã tiết lộ, lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID, những rạn nứt tiềm tàng trên thị trường lao động Mỹ, ám chỉ rằng Fed có thể phải giải quyết chỉ bằng một đợt tăng lãi suất duy nhất trong nửa cuối năm”.

Báo cáo về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ cho thấy số lượng việc làm tăng ít nhất trong 2 năm rưỡi.

"Trong khi đó, dữ liệu tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ của Vương quốc Anh vào sáng thứ Ba và việc đồng yên Nhật sụt giảm liên tục đang khiến hai trong số các đối thủ lớn nhất của đồng bạc xanh tăng cao hơn khi các nhà giao dịch hồi hộp chờ đợi báo cáo CPI của Mỹ (công bố vào thứ Tư, 12/7)," ông Weller nói thêm.

Thị trường ước tính giá tiêu dùng cốt lõi của trong tháng 6 tăng 5% trên cơ sở hàng năm. Dữ liệu CPI sẽ cung cấp những tín hiệu rõ ràng hơn về tiến trình của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát cao.

"Những người tham gia thị trường nên nhớ rằng việc công bố dữ liệu của Mỹ vẫn có khả năng gây sốc: nếu các dữ liệu lạm phát lõi hoặc 'siêu lõi' gây bất ngờ cho xu hướng tăng, thì lãi suất có thể tăng cao hơn một lần nữa và đồng USD có thể tạo ra một sự phục hồi đáng ngạc nhiên." Karl Schamotta, giám đốc chiến lược thị trường của Corpay ở Toronto, cho biết.

Đồng USD giảm mạnh so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt trong phiên thứ Ba (11/7).

Tiền tệ châu Âu bật tăng mạnh mẽ

Bảng Anh đạt mức cao gần 15 tháng, là 1,2934 USD, sau khi tăng trưởng tiền lương của Anh vượt quá mong đợi và đạt mức cao kỷ lục chung, gây áp lực buộc Ngân hàng Anh phải thắt chặt chính sách hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Bảng Anh kết thúc phiên tăng 0,6% lên 1,2930 USD.

Các nhà phân tích cho biết, đồng bảng Anh đã tăng giá nhờ nền kinh tế mạnh hơn và việc xem xét lại kỳ vọng về chính sách chặt chẽ hơn của BoE.

Đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng, là 1,1027 USD/EUR trong phiên.

Các loại tiền tệ châu Âu khác cũng mạnh, với đồng đô la Na Uy (NOK) đạt mức cao nhất gần 3 tháng và đồng đô la Thụy Điển (SEK) ở mức cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD.

Đồng franc Thụy Sĩ, như đã nói ở trên, chạm mức mạnh nhất kể từ tháng 1 năm 2021, do các nhà đầu tư bán phá giá đồng bạc xanh sau khi các quan chức Fed báo hiệu rằng ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Đồng thời, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do lạm phát kéo dài và chi phí đi vay ở mức cao nhất trong nhiều năm đã thúc đẩy nhu cầu đối với các loại tiền tệ trú ẩn an toàn, trong đó có franc Thụy Sỹ.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 1,75% vào tháng 6 và đánh dấu một đợt tăng lãi suất tiềm năng khác vào tháng 9, nhấn mạnh rằng rủi ro ảnh hưởng của vòng lạm phát thứ hai vẫn ở mức cao mặc dù các dữ liệu lạm phát chung và lạm phát lõi hiện tại đang chậm lại. Ngân hàng này cũng đã nhắc lại rằng họ sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối nếu cần để hỗ trợ đồng franc.

Tại Nhật Bản, đồng yên đã tăng hơn 3% so với mức thấp nhất trong 7 tháng chạm vào tháng trước - khi yên suy yếu qua mức 145 yên đổi một đô la khiến các nhà giao dịch phải theo dõi chặt chẽ và cảnh giác cao độ về khả năng can thiệp từ chính quyền Nhật Bản.

Ở những nơi khác, đồng đô la Úc tăng 0,2% lên 0,6697 USD/AUD, trong khi đồng đô la New Zealand giảm 0,3% xuống 0,6197 USD trước khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand công bố quyết định chính sách, vào thứ Tư (12/7).

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần vào thứ Ba, vượt qua một ngưỡng quan trọng, sau khi ngân hàng trung ương tiếp tục ấn định mức trung bình cao hơn dự kiến, đồng thời mở rộng hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản.

Đồng tiền của Trung Quốc, trong cả giao dịch trong nước và nước ngoài, đều mạnh lên vượt qua mức quan trọng về mặt tâm lý là 7,2 CNY/USD. Đồng nhân dân tệ trong nước có thời điểm tăng lên mức cao 7,1934 CNY, mạnh nhất kể từ ngày 21 tháng 6. Ở nước ngoài, CNH cũng theo sau và tăng mạnh lên mức cao 7,1950 CNH, mức mạnh nhất kể từ ngày 26 tháng 6.

Giá vàng tăng mạnh khi đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố - có thể cung cấp thêm tín hiệu về lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.

Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.931,83 USD/ounce, là phiên tăng thứ ba liên tiếp. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,3% lên 1.937,10 USD.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Theo Nhịp sống thị trường

Link gốc : https://markettimes.vn/usd-cham-day-8-tuan-bang-anh-cao-nhat-15-thang-franc-thuy-sy-cao-nhat-2-5-nam-vang-tang-phien-thu-3-lien-tiep-33914.html

Bạn đang đọc bài viết USD chạm đáy 8 tuần, bảng Anh cao nhất 15 tháng, franc Thụy Sỹ cao nhất 2,5 năm tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ