Trong phiên giao dịch 24/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng quy mô chào thầu cho vay cầm cố giấy tờ giá (OMO) và dừng phát hành tín phiếu mới. Cụ thể, NHNN chào thầu 17.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 27.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày; 12.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày và 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Kết quả, có 14.431,76 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, 22.703,96 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, 9.939,49 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày và 100,85 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày.
Sau khi cấn trừ 24.678,19 tỷ đồng các khoản OMO cũ đáo hạn đáo hạn, NHNN đã bơm ròng 22.497,87 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Qua đó, đưa lượng OMO lưu hành lên 187.282,43 tỷ đồng và lượng tín phiếu lưu hành giảm về 0. Như vậy, NHNN đang ở trạng thái bơm ròng 187.282,3 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng – mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2017.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, với OMO trúng thầu chủ yếu ở kỳ hạn 7 – 28 ngày, lượng tiền NHNN hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Nhà điều hành liên tục ở trạng thái bơm ròng thanh khoản cho hệ thống, trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng duy trì xu hướng tăng trong 3 tuần gần đây.
Theo dữ liệu của NHNN, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND trong phiên 23/7 đã tăng lên trên 5%/năm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng lên 5,26%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng lên 5,24%/năm và kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,02%/năm.
Hoạt động hỗ trợ thanh khoản và dừng phát hành tín phiếu của NHNN được kỳ vọng sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trở lại trong thời gian tới. Trước đó, NHNN cũng đã có nhiều phiên bơm ròng lượng lớn thanh khoản vào cuối tháng 6 khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
NHNN đã và đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành nghiệp vụ thị trường mở để giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn thanh khoản cho các ngân hàng. Qua đó hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo đúng định hướng, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc duy trì chính điều hành mang tính hỗ trợ thanh khoản VND góp phần tăng áp lực lên tỷ giá USD/VND. Thực tế, dù chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh – đã giảm 10% từ đầu năm nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tăng 3%.
Lý giải thêm về việc VND rớt giá so với USD mặc dù DXY giảm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ VND cho biết, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn một phần được thông qua lãi suất. Tuy nhiên thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá", ông Quang cho biết tại buổi họp báo mới đây.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất VND và USD ở trạng thái âm, từ đó kích thích cầu đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá.
Đồng thời, dù nhìn cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh do dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.
Về định hướng điều hành trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế quốc tế và trong nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nhằm tạo dư địa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.