Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dẫn số liệu của Wichart cho biết, mặt bằng lãi suất huy động thực tế đã tạo đỉnh từ đầu năm 2023, duy trì xu hướng giảm cho đến thời điểm hiện tại và đã về sát mức lãi suất trước đại dịch Covid 19. Ở thời điểm báo cáo, lãi suất huy động bình quân 12 tháng nhóm NHTM Quốc doanh (Sobs) là 6,3%; nhóm NHTMCP lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%, nhóm NHTM khác là 7,18%.
Theo KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35% trong khi lãi suất cho vay sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn; đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo ước tính sơ bộ, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhiệt 1% so với thời điểm cuối năm 2022.
KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại). Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%.
Theo KBSV, có một số yếu tố khách quan và chủ quan hỗ trợ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 sau khi GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra. Dù vậy, Chính Phủ vẫn chưa có ý định thay đổi mục tiêu GDP năm nay, đồng nghĩa với việc để đạt được mức tăng trưởng 6,0% - 6,5% thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, với ưu tiên hàng đầu là duy trì tăng trưởng kinh tế, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành nếu không có biến động bất thường về tỷ giá.
Bên cạnh đó, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm đến nay với lạm phát tháng 6 tăng 2% so với cùng kỳ, giảm so với mức đỉnh 4,9% vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phục hồi chậm, tiêu dùng nội địa yếu, cùng với những yếu tố khác như giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, lạm phát sẽ chưa gây ra nhiều áp lực trong thời gian tới. Do vậy, nhóm phân tích dự báo CPI của Việt Nam năm 2023 ở mức 2,8% - kiểm soát tốt trong mục tiêu 4.5% của Quốc hội sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục, tính đến hết tháng 5 chỉ đạt 3,2% so với đầu năm và nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ cách xa mục tiêu của NHNN đưa ra. Một cuộc điều tra gần đây do NHNN thực hiện cho thấy các ngân hàng thương mại kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 12,5%, điều chỉnh giảm 0.6% so với kỳ điều tra trước. Mặc dù vậy, NHNN vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15% trong năm nay.
Mặt khác, ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Thông tư 02; 4 lần hạ lãi suất điều hành; quy định trần lãi suất cho các nhóm ngành ưu tiên…).
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh kể từ đầu năm, kéo theo chi phí vốn các ngân hàng được kéo giảm (đặc biệt khi các khoản vay lãi suất cao cuối năm ngoái đáo hạn), các ngân hàng có động lực để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút khách hàng vay mới.
Với các yếu tố tác động trên, KBSV cho rằng xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất là tương đối rõ nét trong 6 tháng cuối năm. Dù vậy, mức giảm thực tế sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế, sức khoẻ của doanh nghiệp, rủi ro từ thị trường bất động sản cũng như vấn đề về thị trường TPDN…, qua đó tác động đến rủi ro tín dụng của ngân hàng. Nếu rủi ro này vẫn duy trì ở mức cao, các ngân hàng sẽ yêu cầu lãi vay cao để bù đắp chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, qua đó cản trở nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN.
“Nợ xấu đã gia tăng đáng kể trong quý 1, và kỳ vọng tiếp tục xu hướng tăng trong quý 2. Dù vậy, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, chúng tôi kỳ vọng yếu tố này sẽ dần được cải thiện trong 2 quý cuối năm”, KBSV cho biết.
Theo Nhịp sống thị trường