Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì tiền gửi của người dân chỉ đạt 5,26 triệu tỷ đồng. Tăng thêm 120.000 tỷ, tương đương 2,34% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm và chỉ bằng 50% trước khi xuất hiện dịch Covid-19 (Tăng 3,37% vào năm 2020 và 5,98% trong năm 2019).
Trong khi đó, lượng tiền gửi vào ngân hàng của các tổ chức kinh tế có xu hướng ổn định khi tăng 2,05% sau 4 tháng. Dù có thấp hơn mức 3,63% của cùng kỳ năm 2019 nhưng cao hơn mức 1,95% của năm 2020. Tính đến hết tháng 4/2020, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín ở mức 4,98 triệu tỷ đồng.
Theo các chuyên gia thì người dân ngày càng ít "mặn mà" với việc gửi tiền vào là bởi lo ngại các ngân hàng xuất hiện các dấu hiệu của tăng trưởng yếu như thanh khoản dư thừa, và ngày càng "ngán" cảnh lãi suất ngày càng đi xuống trong những năm gần đây.
Vấn đề lãi suất khiến người dân ngày càng ít muốn gửi tiền hơn (Ảnh minh họa) |
Mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5% từ cuối năm 2019. Các đợt Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và đẩy lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng là một nguyên nhân khách quan khiến lượng tiền gửi của dân cư trong 4 tháng đầu năm 2021 suy giảm.
Hiện tại, nhiều người dân đang tìm kiếm những kênh đầu tư mới hấp dẫn hơn. Điển hình như chứng khoán.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thì trong 5 tháng đầu năm 2021 thì số lượng tài khoản mới mở đã tăng hơn 20% số lượng tài khoản mới trong cả năm 2020, ở mức 480.490 tài khoản chứng khoán mới.
Tính đến hết tháng 5 thì số tài khoản chứng khoán Việt Nam đã đạt con số hơn 3,25 triệu, tương đương với 3,2 tổng dân số.
Còn theo, Ủy ban chứng khoán đầu tư nhà nước dòng tiền từ thị trường đang có xu hướng đến từ các nhà đầu tư trong nước. Đến hết tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440.000 tỷ đồng, cao hơn 21,7% so với cuối năm 2020 và tương ứng với 102,3% GDP.
Hay một xu hướng khác có thể nhắc đến chính là vay tiền từ các tổ chức tín dụng để đổ tiền vào bất động sản bất chấp lo ngại từ chính quyền là tăng thêm nợ xấu và khiến "bong bóng" BĐS xảy ra. Cơn sốt đất diễn ra trong những tháng đầu năm là một minh chứng.
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì cuối quý 1/2021, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020. Mức tăng này vượt trội so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung của tất cả các ngành kinh tế trong thời điểm này (2,93%).
Theo Doanh nhân Việt Nam