ACB và MB có thể sẽ được nới room tín dụng tối đa lên đến 15%

NHVN 15:18 25/06/2021

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, bất chấp đại dịch COVID-19, khối ngân hàng tư nhân nói chung và 02 ngân hàng nói riêng MB, ACB vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo đó 02 ngân hàng là ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu và MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội có khả năng được NHNN nới room tín dụng năm 2021 lên 15%. Hết quí 1/2021, room tín dụng của MBB được cấp là 9% nhưng 05 tháng đầu năm MBB đã cạn room và dùng vượt chỉ tiêu room tín dụng được cấp là 10,5%. Do vậy, để tăng trưởng ngân hàng bắt buộc phải xin chỉ tiêu nới thêm room tín dụng là 15%.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Đối với ACB, hạn mức tín dụng được NHNN cấp cả năm là 9,5% nhưng đến thời điểm này room tín dụng đã chật, do vậy ngân hàng đang đề xuất xin nới lên 15%. Cùng với nhóm ngân hàng tư nhân như VPB, TCB thì 02 ngân hàng tư nhân là MBB, ACB bất chấp đại dịch COVID -19 đã tăng trưởng tín dụng ngoạn mục.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Được biết trong năm nay, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đến các TCTD trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp "room" mức 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%. Vậy 02 nhà băng được nới room cao thì có tình hình kinh doanh ra sao?

Báo cáo tài chính cho thấy, thu nhập lãi ròng của MBB trong quý I tăng 27% và đạt 6,0 nghìn tỷ đồng. Điều này được hỗ trợ chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý 8,4% so với đầu năm hay tăng 25 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 16 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 5,01%. Tăng trưởng cho vay mạnh hơn so với ước tính của các nhà phân tích SSI Research và vượt các ngân hàng cùng hệ thống (3%-4%).

Mới đây, NHNN chấp thuận cho MB được tăng vốn điều lệ lần 1 theo đề xuất của ngân hàng, thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua. Với nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020 và các năm trước, MB sẽ trích ra 9.795 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu.

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục và sẽ thực hiện chi trả cổ tức trong quý 3. Được biết, sau khi trả cổ tức, MB sẽ thực hiện tiếp lần tăng vốn thứ 2 với khoảng 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu)…Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MBB tăng liên tục trong thời gian qua, từ mức 18.000 đồng tại thời điểm năm 2020, tăng lên trên 40.550 đồng/cổ phiếu.

Riêng với ACB, mới đây Ngân hàng đã thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi phát hành, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới. Quý 1/2021, ACB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, bất chấp đại dịch COVID-19, khối ngân hàng tư nhân nói chung và 02 ngân hàng nói riêng MB, ACB vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân khiến NHNN cấp room tín dụng cao nhất cho hai ngân hàng cổ phần.


Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này. NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động trong năm 2021.

Gần 2 quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 5,1%, tăng gấp 2 so với năm 2020, cơ cấu nợ cho gần 258.000 khách hàng; miễn, giảm lãi suất gần 1,3 triệu tỷ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có 03/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, (gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Do vậy nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn nên cần thiết phải nới room tín dụng cho các nhà băng...

Kinh Tế Chứng Khoán Việt Nam

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/acb-va-mb-co-the-se-duoc-noi-room-tin-dung-toi-da-len-den-15-96587.html

Bạn đang đọc bài viết ACB và MB có thể sẽ được nới room tín dụng tối đa lên đến 15% tại chuyên mục Báo cáo tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Báo cáo tài chính