Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; mã chứng khoán: STB), ghi nhận lãi sau thuế 5.459 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây cũng là số liệu lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm ghi nhận ở mức lãi cao nhất kể từ khi Sacombank công bố báo cáo từ năm 2008. Trước đó, năm 2016 ghi nhận mức lợi nhuận thấp kỷ lục chỉ vỏn vẹn 155 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến ngày 30/9/2023 tăng 10% so với đầu năm lên hơn 651.288 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 472.073 tỷ đồng, tăng 7,6% so với số đầu năm. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 18,5% lên hơn 6.670 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh riêng quý 3/2023, phần lớn các mảng kinh doanh của Sacombank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của nhà băng này chỉ đem 4.851 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi 719 tỷ đồng (giảm hơn 30%). Hoạt động khác thu về 30 tỷ đồng (giảm 26%).
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về cho Sacombank gần 300 tỷ đồng (tăng 36,5%); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đem về 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, báo lỗ 2,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý, Sacombank chỉ dành 826 tỷ đồng cho Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2022 (2.425 tỷ đồng).
Kết quả, Sacombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2023, đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng.
Dù Sacombank liên tục báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chất lượng cho vay lại để lại “vệt đen” trong BCTC của nhà băng này trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, kết thúc quý 3/2023, tổng nợ xấu nhà băng này là hơn 10.387 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 5,2 lần so với đầu năm lên hơn 2.961 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp 4,3 lần so với đầu năm lên 3.198 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 1,4 lần so với đầu năm lên 4.227 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Sacombank cũng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ, lên mức 3.365 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc nợ nhóm 2 nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của nhà băng này đang ở mức cao.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cũng tăng mạnh từ mức 0,98% hồi đầu năm lên 2,20% vào thời điểm cuối tháng 9/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 3.144 tỷ đồng, giảm hơn 43% so với cùng kỳ (5.550 tỷ đồng). Nâng tổng dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 6.670 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào tháng 4/2023, một trong những mục tiêu quan trọng của Sacombank là kiểm soát nợ xấu cả năm dưới ngưỡng 2%. Với mức tổng nợ xấu 10.388 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023. Trong khi đó, tổng cho vay khách hàng của Sacombank là 465.403 tỷ đồng, khiến lượng nợ xấu của ngân hàng này đã ở mức hơn 2,2% chỉ trong 3 quý đầu năm.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% trong năm 2023 của ngân hàng này chỉ còn ở quý cuối càng trở nên khó khăn. Không chỉ vậy, vốn chủ sở hữu của Sacombank tại ngày 30/9 đang ở mức 20.602 tỷ đồng. Lượng nợ xấu trên đã chiếm đến 50,4% vốn chủ sở hữu tại Sacombank.
Sacombank cho 9 khách hàng liên quan đến Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh vay hơn 9.200 tỷ đồng.
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ngày 15/6/2023 về Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng về việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013- 2017 cho thấy, Sacombank đã cho vay với 9 khách hàng liên quan đến Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh và Himlam gồm: Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP ĐTXD Bảo Lộc, Công ty CP đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP QLĐTXD Việt Hà, Công ty CP XDTMDVDL Hiệp với dư nợ tính đến cuối tháng 8/2018 là 9.262 tỉ đồng - chiếm 48,52% vốn tự có của Sacombank.
Theo cơ quan thanh tra, mục đích vay của 9 khách hàng nêu trên để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án. Các khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án mà vay để chuyển bên thứ 3 thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.
Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở 9 khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro.