Nhìn lại chặng đường 5 năm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

THỜI BÁO NGÂN HÀNG 06:38 19/11/2020

Sau 5 năm thực hiện, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng về cơ bản đã hoàn thành các yêu cầu đề ra, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn này.

Hệ thống ngày càng lành mạnh, ổn định

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phần nội dung cơ cấu lại các TCTD cho thấy về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Theo đó trên cơ sở Nghị quyết 24 và Nghị quyết số 42, ngành Ngân hàng đã triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả việc cơ cấu lại các TCTD gắn liền với XLNX nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, quản trị của các TCTD. Bên cạnh đó, năng lực quản trị điều hành của các TCTD cũng từng bước được nâng cao. Hệ thống kiểm soát nội bộ của TCTD được xây dựng theo mô hình 3 tuyến bảo vệ phù hợp với thông lệ quốc tế mới nhất về quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của Ủy ban Basel.

Tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo được xử lý và xóa bỏ; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát. Công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm được tăng cường, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD. Năng lực, nguồn lực của VAMC để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ cũng được nâng cao.

Giai đoạn gần 5 năm qua cũng ghi nhận sự chuyển dịch ngày càng rõ nét và tích cực về cơ cấu tín dụng, theo đó tín dụng dịch chuyển nhiều hơn vào các ngành sản xuất, ngành ưu tiên, đồng thời giảm dần tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại từ năm 2017 đến nay, Việt Nam là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất, qua đó đưa lãi suất cho vay về mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đánh giá đã được hoàn thành theo danh sách 22 mục tiêu cụ thể đặt ra tại Nghị quyết 24 (phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4).

Nghị quyết 24 cũng đưa ra một mục tiêu cụ thể khác liên quan trực tiếp đến ngành Ngân hàng là phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức dưới 3%. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, thực tế nếu chỉ xét từ đầu giai đoạn đến cuối năm 2019 thì mục tiêu này cũng đã được hoàn thành. Bởi không chỉ nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ ghi nhận những chuyển biến tích cực mà tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD cũng liên tục cải thiện (mức 2,46% cuối năm 2016; 1,99% cuối năm 2017; 1,91% cuối năm 2018 và 1,63% cuối năm 2019).

Quyết liệt và nhất quán hơn nữa

Về an toàn của một TCTD, điều mà người ta quan tâm nhất là nợ xấu nội bảng và với hầu hết các TCTD trên thế giới thì thường cố gắng giữ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì hoạt động được coi là tương đối an toàn. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra cao hơn là tổng nợ xấu nội bảng, nợ xấu mà TCTD đã bán cho VAMC nhưng đến nay chưa xử lý xong và những khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%. Theo chia sẻ gần đây của một lãnh đạo NHNN, trong suốt những năm qua toàn Ngành đã hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu này và tin rằng, nếu không gặp tình huống đại dịch Covid thì khả năng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và nền kinh tế nói chung nên sẽ kéo theo nợ xấu của các NH gia tăng. Thực tế theo báo cáo tài chính quý III công bố mới đây của nhiều TCTD niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng tăng mạnh và nhiều khả năng sẽ còn tăng mạnh hơn khi nếu diễn biến dịch Covid tiếp tục kéo dài, gây khó khăn cho DN trong trả nợ. Chính vì vậy, mục tiêu đưa nợ xấu xuống mức dưới 3% đang thực sự trở thành một thách thức lớn và trong báo cáo của Chính phủ, mục tiêu này được xếp ở dạng "có khả năng không hoàn thành", và cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau 2020.

Bên cạnh các kết quả đạt được, cơ cấu lại các TCTD vẫn cho thấy một số hạn chế. Như báo cáo của Chính phủ nêu rõ, việc triển khai áp dụng Basel II tại một số NHTM còn hạn chế; hành lang pháp lý liên quan chưa đồng bộ và chưa tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra, các giải pháp triển khai để xử lý vấn đề tỷ lệ an toàn vốn của một số NHTM Nhà nước chưa hiệu quả; Việc XLNX theo Nghị quyết 42 còn vướng mắc liên quan đến việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, phát triển thị trường mua bán nợ... Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của hệ thống các TCTD còn hạn chế do những khó khăn của nền kinh tế, còn ít các NHTM có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Báo cáo "Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu - sức chống chịu của Việt Nam và kiến nghị" của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình - khá. Trong đó, sức chống chịu của hệ thống NH dù đã tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng áp lực nợ xấu tăng và lợi nhuận giảm do Covid-19 đang là những thách thức khá lớn. Theo Nhóm nghiên cứu, nếu hạch toán đầy đủ các khoản giảm thu từ lãi và các khoản hỗ trợ do cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi Thông tư 01 hết hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể đến 3% cuối năm 2020; 3,5-4% năm 2021 và nợ xấu gộp có thể lên đến khoảng 5-5,5%.

"Rủi ro của lĩnh vực NH Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình - khá (có nguy cơ lên cấp độ 4, dựa trên phương pháp xây dựng ma trận đánh giá rủi ro của IMF). Mức độ rủi ro có thể tăng và sức chịu đựng có thể suy giảm nếu được kích hoạt bởi sự tăng nhanh của nợ xấu trong khi hệ số CAR còn thấp so với khu vực và các nước mới nổi", Nhóm nghiên cứu nêu.

Lộ trình cơ cấu lại các TCTD cần tiếp tục thực hiện và TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, một mặt cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu tài chính - tiền tệ quốc gia theo hướng công khai, minh bạch, cập nhật và kết nối hơn; xây dựng mô hình quản lý - giám sát rủi ro hệ thống, cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ.

Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực của khu vực NH, hướng tới chuẩn mực quốc tế và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung tái cấu trúc một cách toàn diện, nâng cao năng lực quản trị - tài chính (nhất là hệ số CAR) và quản trị rủi ro theo Basel II, đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc XLNX theo Nghị quyết 42 (cần thiết luật hóa XLNX), thúc đẩy thành lập thị trường mua bán nợ; nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng chống chịu rủi ro của các TCTD. Đồng thời, quyết liệt thực hiện thành công Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 về chiến lược ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Về phía các TCTD, cần chú trọng tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến trình số hóa gắn với chiến lược kinh doanh mới phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Các khuyến nghị trên phần nào cũng nằm trong định hướng cơ cấu lại hệ thống các TCTD được Chính phủ đưa ra cho giai đoạn 2021-2025 và sẽ được các đại biểu thảo luận kỹ vào đợt 2, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào tuần này.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/nhin-lai-chang-duong-5-nam-co-cau-lai-cac-to-chuc-tin-dung-108808.html

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại chặng đường 5 năm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng tại chuyên mục Báo cáo tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Báo cáo tài chính