Ngân hàng áp đụng dịnh danh điện tử thu được gì?

NHỊP SỐNG KINH TẾ 07:14 11/09/2020

Những ngân hàng đầu tiên triển khai eKYC đến nay đã gặt hái được những gì?

Từ đầu tháng 7/2020 Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khoảng 10 ngân hàng thương mại cổ phần được thí điểm áp dụng định danh điện tử (eKYC) trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm.

Trong số các ngân hàng tiên phong đưa eKYC vào hoạt động, đến nay sau 2 tháng đã ghi nhận những kết quả ban đầu khá ấn tượng.

Tại HDBank, ngân hàng này cho biết chính thức áp dụng định danh trực tuyến từ đầu tháng 8/2020: Khách hàng sẽ có ngay tài khoản iMoney trên App HDBank thông qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng với số lượng thông tin cần nhập tối thiểu. Sau khi hoàn tất các bước trong khoảng 2 phút, người dùng có thể ngay lập tức có thể thực hiện giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn,... theo nhu cầu.

Đến nay sau hơn 1 tháng triển khai eKYC, HDBank đã có thêm 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên App HDBank cùng 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Thống kê của nhà băng này cũng cho thấy có 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, nâng tỷ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

"Điều này cho thấy eKYC đã góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp" – đại diện ngân hàng cho biết.

Trong khi đó tại VPBank, ngân hàng đầu tiên đáp ứng tất cả các quy định của eKYC từ đầu tháng 7, ông Nguyễn Hồng Trung, Giám đốc Trung tâm số hóa đồng thời là người phụ trách trực tiếp dự án eKYC cho biết, từ khi triển khai eKYC đến nay, VPBank đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020 (ngân hàng dự tính trong năm nay sẽ có thêm khoảng 30.000 tài khoản khách hàng mới đăng ký qua eKYC).

Tại ngân hàng TPBank, đại diện nhà băng này cho biết, trong tháng đầu triển khai eKYC đã thu hút gần 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức này, tương đương 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống. "Điều đó cho thấy công nghệ này đã nhanh chóng đáp ứng đúng nhu cầu tiện lợi, nhanh chóng và an toàn của khách hàng. Quan trọng hơn, con số đó cho thấy ngân hàng có thể dễ dàng tiếp cận, mang dịch vụ ngân hàng tới gần 30.000 khách hàng mới ở khắp mọi miền đất nước mà không phải đầu tư thêm vào việc mở rộng mạng lưới chi nhánh" – lãnh đạo TPBank nói.

Còn tại Viet capital Bank, ông Đỗ Thành Nam, giám đốc Ngân hàng số Bản Việt tiết lộ, tỷ lệ khách hàng mới đăng ký tài khoản đến tháng 8/2020 ở nhà băng này đã tăng gần gấp 3 lần so với hồi tháng 1/2020. Tỷ trọng khách hàng sử dụng các dịch vụ, thanh toán qua ngân hàng điện tử/ví chiếm 50%, chuyển tiền chiếm 40% và gửi tiết kiệm chiếm 10% và cả 3 mảng này đều tăng trưởng mạnh kể từ khi ứng dụng eKYC đến nay. “Các con số trên thể hiện, việc sau khi định danh bằng eKYC, khách hàng được giao dịch ngay lập tức trên ứng dụng di động của Bản Việt đã đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của khách hàng trong thời điểm hiện tại”, ông Nam bổ sung.

Bên cạnh những thành quả bước đầu đã đạt được, do eKYC mới đưa vào triển khai và các ngân hàng còn đang "vừa làm vừa nghe vừa sửa" nên theo đại diện các ngân hàng, vẫn còn có những vấn đề cần phải khắc phục để hoàn thiện tối đa phục vụ khách hàng. Chẳng hạn như các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC còn chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống, mà chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thanh toán hoặc gửi tiết kiệm, hoặc các ngân hàng còn đưa ra hạn mức giao dịch trong ngày...nên giao dịch qua kênh này chưa cao.

Ngoài ra, vấn đề liên quan bảo mật rủi ro cũng được phát hiện thêm, mà một trong số đó, theo giám đốc trung tâm số hóa của VPBank chia sẻ, thì có hiện tượng người dùng tại Việt Nam sử dụng công nghệ deepfake để gian lận nhằm bỏ qua bước kiểm tra Thực thể sống (liveness detectio). "Những rủi ro đó buộc các ngân hàng phải liên tục theo dõi, cập nhật để ngăn chặn các rủi ro", ông nói và cho biết thêm hiện VPBank đã cập nhật được tính năng chặn deepfake này.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng áp đụng dịnh danh điện tử thu được gì? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp