Ngân hàng chuyển nhượng công ty tài chính

NHVN 09:10 05/07/2020

Theo TS. Võ Trí Thành, trong tình hình Covid-19, hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận… nên trong thời điểm này, ngân hàng muốn giảm áp lực nợ xấu

Sau một thời gian các ngân hàng có xu hướng mua lại hoặc thành lập công ty tài chính thì đến thời điểm này một loạt ngân hàng có kế hoạch chuyển nhượng công ty tài chính, như VPBank bán bớt cổ phần tại FE Credit; SHB bán bớt vốn tại SHB Finance… Đâu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này? Phóng viên Thời báo Ngân hàng trao đổi nhanh với TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo ông, đâu là lý do ngân hàng muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính?

Tôi cho rằng, có thể giai đoạn này, cũng như các DN khác, ngân hàng đang gặp khó khăn trước những tác động từ Covid-19 nên họ đang muốn tái cấu trúc tài chính. Hoặc là họ muốn dành nguồn lực tài chính mới để hỗ trợ cho lĩnh vực khác đang cần vốn đầu tư nhiều hơn.

Liệu có phải đến thời điểm công ty tài chính không còn là “con gà đẻ trứng vàng” nên các ngân hàng không còn mặn mà nữa?

Tôi nghĩ là không. Về bản chất, mảng kinh doanh này vẫn khá hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu hoạt động của các công ty tài chính được triển khai bài bản, chỉn chu thì đây là mảng tiềm năng hứa hẹn mang lại lợi nhuận giống như FE Credit từng là “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank. Tôi nghĩ, trong tình hình Covid-19, hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận… nên trong thời điểm này, ngân hàng muốn giảm áp lực nợ xấu từ các công ty tài chính, tập trung vào hoạt động cốt lõi nhiều hơn.

Quan trọng nữa là nếu ngân hàng thấy có nhà đầu tư nào quan tâm, trả giá tốt thì họ muốn bán đi. Vì hiện tại các ngân hàng đang muốn củng cố thêm năng lực tài chính, tăng tài sản tốt.

Thực tế tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn.

Ông cho biết cụ thể hơn tiềm năng của thị trường này?

Có thể nói, công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam khá tốt, được đánh giá cao. Đây là thành công nổi bật của Việt Nam. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội phát triển đối với nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Khi mà triển vọng hoạt động kinh doanh của DN phục hồi ngày càng rõ nét hơn, tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân Việt Nam khả quan, nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng trong khi quy mô thị trường tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (1,68 triệu tỷ đồng), dư nợ của các công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng) nên tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng rất lớn. So với các nước trong khu vực ASEAN tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam cũng khá thấp.

Hiện tại, Chính phủ, cũng như các DN đang có chính sách ưu đãi kích cầu tiêu dùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Điểm nữa, nhu cầu, định hướng phát triển của nhiều TCTD về đẩy mạnh cho vay cá nhân và văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Đặc biệt, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Nhất là giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng. Khi đó, tài chính tiêu dùng sẽ là cứu cánh cho họ.

Mặc dù cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn, nhưng theo tôi, các công ty tài chính cần phải tìm hiểu, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của người dân để đưa lựa chọn phân khúc khách hàng cho phù hợp. Hành vi tiêu dùng rất quan trọng để giúp công ty tài chính khai thác hiệu quả phân khúc khách hàng.

Chẳng hạn, hiện tại cơ cấu dân số trẻ nhưng cho vay tiêu dùng dựa vào tầng lớp trung lưu nhiều. Ngoài ra, với công nghệ hiện nay, có thể đưa vào những sản phẩm phù hợp hơn với nhiều đối tượng, tương tác nhiều hơn với khách hàng để hạn chế rủi ro tín dụng đen. Tài chính tiêu dùng sẽ gắn với việc làm, hành vi lối sống, niềm tin, rủi ro tài chính cả vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, hiện nay, Luật điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng cơ bản là Bộ luật Dân sự trong khi các quốc gia khác không áp dụng như vậy. Về dài hạn, Việt Nam cần Luật Bảo vệ Tiêu dùng tài chính.

Vậy, sắp tới M&A trên thị trường này có sôi động hơn không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, trong năm nay khó có thể sôi động được. Những thương vụ trên chỉ là hiện tượng chưa thể là xu hướng. Thời điểm này, dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhất là lĩnh vực tài chính vẫn thận trọng. Minh chứng là từ đầu năm đến nay các thương vụ M&A với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài khá ít với quy mô cũng nhỏ. Theo tôi, trước mắt, vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang ở trong tình trạng phòng thủ chưa có hướng mở rộng. Nhất là giai đoạn kinh tế thế giới đang bất định thì khó có thể hy vọng vốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-chuyen-nhuong-cong-ty-tai-chinh-103678.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng chuyển nhượng công ty tài chính tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp