Thương mại điện tử "lên ngôi" giữa đại dịch
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến nhiều nước phải ban bố tình trạng phong tỏa tại nhiều khu vực. Doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng cung cấp và mua hàng hóa qua dịch vụ trực tuyến, từ đó nâng tỉ trọng của thương mại điện tử (TMĐT) trong giá trị thương mại bán lẻ toàn cầu từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020.
Theo TTXVN, nền tảng thương mại điện tử Mercado Libre của khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận doanh số hàng ngày tăng gấp đôi trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Còn nền tảng Jumia của châu Phi thông báo mức tăng 50% trong khối lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2020.
Tại Trung Quốc, tỉ trọng của thương mại điện tử trong danh số bán lẻ tăng từ 19,4% lên 24,6% trong giai đoạn từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2020.
Còn ở Kazakhstan, tỉ trọng này đã tăng từ 5% năm 2019 lên 9,4% năm 2020. Thái Lan còn ghi nhận số lượt tải các ứng dụng mua sắm tăng đến 60% chỉ trong 1 tuần của tháng 3/2020.
UNCTAD cho rằng, một trong những thách thức là đại dịch đã đem lại lợi ích chủ yếu cho các nền tảng kỹ thuật số hàng đầu. Nhiều giải pháp đang được sử dụng cho thương mại điện tử, làm việc từ xa và điện toán đám mây do một số lượng khá nhỏ các công ty lớn cung cấp, chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ.
Các “ông lớn” này đã lấn át sự hiện diện của các công ty nhỏ hơn trên thị trường, qua đó càng củng cố vị thế thống trị của họ trong thời kỳ đại dịch, theo TTXVN.
Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của Facebook vào cuối tháng 6/2021 cho thấy, mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch.
Facebook nhận định, chính Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến việc người dùng trên toàn thế giới thay đổi cách thức, địa điểm và thời gian mua sắm.
Sự phát triển bùng nổ của TMĐT ở Việt Nam
Thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta trong những năm gần đây. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tăng trưởng bứt phá cho TMĐT.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết: Do tác động của dịch, năm 2020, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình.
Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng. Với tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt đạt quy mô khoảng 13,2 tỉ USD.
Đến đầu năm 2021, các doanh nghiệp thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Các yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực như bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến...
Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt khoảng 52 tỉ USD.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm của nhiều người. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc Top 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Kinh tế Môi trường