Là loại đồ ăn sinh ra ở Nhật Bản, hiện nay mì gói đã có mặt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Mì gói được xem là "đồ ăn toàn cầu" do có hàng triệu người sử dụng mỗi ngày, bất kể tuổi tác, giới tính hay quốc gia, dân tộc.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu các sản phẩm khô tăng cao, đặc biệt là mì tôm, miến, phở ăn liền,…. Phần lớn người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn tự nấu và dự trữ thực phẩm khô trong thời gian dài. Hơn nữa, mì ăn liền có thể dễ dàng nấu chín trong thời gian xảy ra thiên tai. Do vậy, đây chính là một lựa chọn tối ưu nhất.
Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới thống kê, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm 2018, đến năm 2020 con số này tăng lên 14,79% do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch Covid-19.
Theo số liệu của WINA, 116,6 tỷ suất mì được tiêu thụ vào năm 2020, tương đương với khoảng 320 triệu suất mì được ăn/ngày.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất với sản phẩm này, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020. Trung Quốc tuy có nhu cầu về mì ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao.
Đứng thứ 2 là khu vực Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm: Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%.
Tại châu Âu và châu Mỹ, mì ăn liền được xem là loại đồ ăn kiêng, trong khi ở Trung Đông và châu Phi, mì gói được kì vọng sẽ tăng trưởng lượng tiêu thụ trong tương lai.
Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền nội địa trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Tính riêng ở Việt Nam, nhu cầu mì ăn liền đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Các loại mì gói đầy tràn tại siêu thị (Ảnh: Báo SGGP) |
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, đứng đầu thị trường là 4 ông lớn: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods. Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.
Không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa, tận dụng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Điều này khiến thị trường Việt Nam trở nên phong phú, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng.
Theo Người đưa tin