Năm 2018, ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thu xếp phát hành 3 lô trái phiếu của Tập đoàn Đất Xanh với tổng trị giá 1.400 tỷ đồng. Các trái phiếu có kỳ hạn 2 năm và 4 năm, được Đất Xanh dùng để đầu tư các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động.
Đây là một trong những giao dịch hiếm hoi mà VIB tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong mấy năm gần đây.
Là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh nhất hệ thống năm 2019, song hoạt động của VIB không gắn nhiều với trái phiếu doanh nghiệp như một số ngân hàng khác. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của VIB tính tới cuối quý 1/2020 chỉ ở mức 2.623 tỷ đồng, tương đối nhỏ so với quy mô tài sản của ngân hàng.
Thay vào đó, VIB tập trung phát triển tín dụng cá nhân. Báo cáo quý 1 cho thấy vay cá nhân của VIB đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 80,8% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Các ngân hàng có quy mô tổng tài sản gần với VIB như SeABank, TPBank, MSB hay Eximbank cũng có số dư trái phiếu doanh nghiệp không nhiều. Tuy nhiên tỷ lệ cho vay lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của các ngân hàng này khác biệt lớn so với VIB.
Ở quy mô tài sản gần gấp đôi VIB là ACB, ngân hàng cũng không ưa thích lĩnh vực bất động sản và tập trung cho vay khách hàng cá nhân, chiếm 60% tổng cho vay khách hàng.
Sự ‘tĩnh lặng’ của VIB và các ngân hàng trên trái ngược với sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vài năm gần đây. Riêng năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh từ mức 9,01% GDP lên 11,3% GDP. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành đạt gần 670 ngàn tỷ đồng.
Sự sôi động đó, phản ánh cơn khát vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) cho thấy, doanh nghiệp bất động sản luôn nhóm doanh nghiệp dẫn đầu huy động trái phiếu bất chấp lãi suất cao.
Dòng tín dụng cấp cho doanh nghiệp bất động sản không đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Năm 2019, nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm chưa tới 10% tổng lượng trái phiếu lưu hành. Hơn 90% còn lại, đến từ nguồn lực của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức tài chính, trong đó có các ngân hàng.
Trong đó, ngân hàng tư nhân lớn nhất hệ thống là SCB gắn liền với các thương vụ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp bất động sản. Gần đây nhất SCB bảo lãnh 5 đợt phát hành trái phiếu có tổng trị giá 1.000 tỷ đồng của Công ty Đầu tư Xây dựng Phú Thượng (Phú Thượng), một doanh nghiệp có liên quan đến tập đoàn bất động sản Sunshine.
Ở quy mô nhỏ hơn, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) gần đây trở thành nhà tài trợ vốn cho Sơn Kim Land, nhà phát triển dự án The Metropole Thủ Thiêm, có tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng.
Cụ thể, cuối năm ngoái, OCB cung cấp 400 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành trái phiếu cho Sơn Kim Land. The Metropole Thủ Thiêm do công ty Công ty Quốc Lộc Phát là chủ đầu tư, đã bắt tay với Sơn Kim Land sau khi đối tác Keppel Land rút lui. Đáng chú ý, cổ đông lớn của Quốc Lộc Phát là Công ty tư vấn đầu tư Hướng Việt, một doanh nghiệp do em vợ ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch OCB làm đại diện pháp luật.
Gần đây, OCB còn tham gia nhiều thương vụ cấp tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản khác như mua 200 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định – Chủ đầu tư Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn, 550 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Golf Long Thành, Chủ đầu tư dự án KN Paradise Cam Ranh...
Các thông báo kết quả phát hành trái phiếu hơn một năm qua trên HNX cho thấy, nhiều ngân hàng dùng kênh trái phiếu để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những doanh nghiệp có ít nhiều mối liên hệ với cổ đông hay lãnh đạo ngân hàng.
Quay lại với VIB, dù không mặn mà với lĩnh vực bất động sản, song VIB cũng là ngân hàng cung cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Uniben – chủ sở hữu thương hiệu mỳ 3 Miền, mỳ Reeva, một lĩnh vực kinh doanh thành công khác của ông Đặng Khắc Vỹ - chủ tịch VIB.
Khi còn ở Nga, ông Vỹ sở hữu Mareven Food, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Nga và từng nằm trong top 10 công ty lớn nhất quốc gia này. Trở về Việt Nam, dù phải cạnh tranh với nhiều tên tuổi khác trên thị trường mỳ ăn liền, ông Vỹ tiếp tục thể hiện tham vọng bằng việc xây dựng và phát triển Uniben, dù không sở hữu và điều hành trực tiếp doanh nghiệp này.
Năm 2016, nhãn hiểu mì 3 Miền từng chiếm 26% thị trường mỳ trong nước và được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Gần đây, Uniben đã mở rộng sang lĩnh vực đồ uống với ngành hàng nước trái cây. Cụ thể, 3 sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Joco: Yến Nha Đam, Nha Đam và Chanh Dây đã được ra mắt tại các thành phố lớn.
Theo TheLEADER