Ảnh minh họa |
Cụ thể, tính đến hết ngày 29/4/2022, có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng.
Theo thống kê của VBMA, phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4/2022 đến từ các Ngân hàng thương mại, với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành.
Trong nhóm này, MB phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Sacombank đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng trái phiếu cũng có kỳ hạn 3 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, có 97 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 68.566 tỷ đồng, chiếm 88,74% tổng giá trị phát hành và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng, chiếm 11.26% tổng giá trị phát hành.
Theo thống kê của VBMA, trong tháng 4/2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản không phát hành trái phiếu. Trong khi tháng 3/2022, các doanh nghiệp bất động sản đứng đầu với 46,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, nhóm Bất động sản đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng là 28,856 tỷ đồng, chiếm 37,35%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21.559 tỷ đồng, tương đương 74,71%.
Nhóm Ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24.393 tỷ đồng, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4,03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh.
Cập nhật kế hoạch phát hành sắp tới, HĐQT HDBank đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tối đa 15.000 tỷ đồng trái phiếu trong lần 1 và tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong lần 2.
Ngân hàng BIDV cũng đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền với lãi suất được quyết định theo từng đợt phát hành, kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.