Tường minh phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 43.500 tỷ đồng

NHVN 16:01 24/05/2025

Có 16 nhóm vấn đề liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 125 km, có vốn đầu tư lên tới 43.500 tỷ đồng, vừa được Chính phủ tiếp thu.

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa có Báo cáo số 449/BC - CP gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và tài chính về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Quy mô đầu tư phù hợp

Tại Báo cáo số 449, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình làm rõ 2 nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại phiên họp ngày 17/5/2025 và 14 ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Nội dung đáng chú ý đầu tiên được Chính phủ giải trình trong Báo cáo số 449 liên quan đến việc kéo dài phạm vi Dự án đến của khẩu Lệ Thanh để phát huy hiệu quả đầu tư.

Chính phủ cho biết, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là một phần của tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lê Thanh (CT.20), dự kiến đầu tư sau năm 2030.

Vừa qua, trên cơ sở nhu cầu cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, Thủ tướng đã có Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đoạn Quy Nhon - Pleiku được điều chỉnh tiến độ đầu tư trước năm 2030, còn đoạn Pleiku - Lệ Thanh vẫn giữ tiến độ đầu tư sau năm 2030.

Hiện nay, Quốc lộ 19 kết nối TP. Pleiku với cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có chiều dài khoảng 75 km, mới được đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng (bề rộng nền đường 12 m) bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đoạn tuyển này có bình diện tốt, lưu thông rất thuận lợi nên đáp ứng tốt nhu cầu vận tải còn thấp hiện nay.

Trong thời gian tới, khi nhu cầu vận tải tăng lên, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đầu tư đoạn cao tốc Pleiku - Lệ Thanh.

Đối với một số ý kiến về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế sơ bộ, Chính phủ cho biết, trong Hồ sơ dự án, trên cơ sở số liệu dự báo nhu cầu vận tải, Tư vấn đã tính toán số làn xe yêu cầu theo công thức của Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc (TCVN 5729:2012).

Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy, lưu lượng trên địa phận tỉnh Gia Lai và Bình Định, năm 2035 - 2045 - 2050 có nhu cầu vận tải lên đến 4 làn xe (tính cho cả 2 chiều). Mặt cắt ngang 4 làn xe có thể khai thác ổn định đến hết thời hạn thiết kế của tuyến đường caoao tốc (20 năm) năm 2045 cho đến năm 2050.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc ngày 15/11/2024 (QCVN 117:2024/BGTVT), đường cao tốc được đầu tư với quy mô tối thiểu là 4 làn xe và có dải dừng xe khẩn cấp liên tục.

Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được xác định có quy mô 4 làn xe và đầu tư trước năm 2030.

“Vì vậy, việc đề xuất đầu tư 4 làn xe tại thời điểm này là phù hợp. Trong bước tiếp theo, trên cơ sở số liệu khảo sát chỉ tiết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tính toán số làn xe theo quy định”, Báo cáo số 449 của Chính phủ nêu rõ.

Một nội dung đáng chú ý khác được Chính phủ làm rõ là đề xuất cân nhắc phân chia dự án thành 3 dự án thành phần và giao cho Bộ Xây dựng (dự án thành phần có yêu cầu kỹ thuật cao) và 2 địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện 2 dự án thành phần còn lại.

Về nội dung này, Chính phủ cho biết là thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, Chính phủ đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần.

Trong đó, Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km40+000) thuộc địa phận tỉnh Bình Định và dự kiến giao UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 (Km40+000 - Km125+000) thuộc địa phận tỉnh Gia Lai và dự kiến giao UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản.

Theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh. Tuy nhiên, việc tách thành 2 dự án thành phần sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Vì vậy, kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân chia Dự án thành 2 dự án thành phần, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần”, Báo cáo số 449 nêu rõ.

Suất đầu tư hợp lý

Theo Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suất đầu tư cao tốc Quy Nhon -- Pleiku cao hơn so với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và chiều dài tương đương) là do có sự khác biệt về điều kiện địa hình và quy mô công trình.

Cụ thể cao tốc Quy Nhon -- Pleiku phần lớn đi qua khu vực địa hình đồi núi phức tạp, đặc biệt là khu vực đèo An Khê và đèo Mang Yang.

Dự án phải xây dựng 3 công trình hầm cấp I và cấp đặc biệt, với tổng chiều dài khoảng 5 km; 63 công trình cầu trên tuyến chính, với tổng chiều dài khoảng 20,9 km trên tổng chiều dài tuyến 125 km (chiếm 16,72% chiều dài), trong đó có khoảng 5 km cầu lớn, cấp đặc biệt, chiều cao trụ cầu dự kiến từ 60-90m, đây là các công trình có suất đầu tư xây dựng cao hơn khá nhiều so với cầu thông thường.

Kết quả chi phí xây dựng cầu và hầm chiếm khoảng 63,65% chi phí xây dựng (19.191/30.150 tỷ đồng) và khoảng 44% tổng mức đầu tư dự án.

Trong khi đó, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điều kiện địa hình thuận lợi hơn, trên tuyến không có hầm hoặc cầu lớn có kết cấu phức tạp. Dự án phải xây dựng 34 cầu trên tuyến chính, với tổng chiều dài khoảng 9,5 km trên tổng chiều dài tuyến 127 km (chiếm 7,5% chiều dài).

Kết quả chi phí xây dựng cầu chiếm khoảng 38,65% chi phí xây dựng (6.223/16.470 tỷ đồng) và khoảng 23% tổng mức đầu tư dự án.

Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, Chính phủ khẳng định là đã dự kiến bố trí 100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và 200 tỷ đồng từ nguồn trung hạn 2021-2025 cho Dự án để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật nhằm phấn đấu khởi công xây lắp 1 gói thầu có mặt bằng thuận lợi vào cuối năm 2025.

Trên cơ sở Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 ngày 7/2/2025 của Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Xây dựng đã đưa Dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, theo đó nhu cầu vốn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Xây dựng khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.

Trong bối cảnh kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận, vì vậy Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng chính sách “Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn”, tương tự Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, Chính phủ xác định việc triển khai Dự án là cụ thể hóa các mục tiêu của Đảng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc có quy mô lớn, với sự tham gia thực hiện của cả các bộ ngành trung ương và các địa phương.

Kết quả đến nay đã đưa vào khai thác khoảng 2.268 km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.833 km, trong đó có khoảng 941 km dự kiến hoàn thành trong năm 2025, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác đến năm 2025 đạt khoảng 3.209 km.

“Với quyết tâm và kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc trong thời gian vừa qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả”, Báo cáo số 449 nêu rõ.

Link gốc : https://baodautu.vn/tuong-minh-phuong-an-dau-tu-cao-toc-quy-nhon---pleiku-von-43500-ty-dong-d289257.html

Bạn đang đọc bài viết Tường minh phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 43.500 tỷ đồng tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu