Cần liên kết để tái khởi động kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

NHVN 15:17 04/10/2021

Trở lại sản xuất kinh doanh sau nhiều tháng giãn cách xã hội đang là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉ lệ lao động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 còn thấp

Tại các tỉnh, thành miền Tây, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, số lượng doanh nghiệp duy trì hoạt động “3 tại chỗ” rất ít. Đa phần doanh nghiệp ngừng hoạt động, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Tại Tp.Cần Thơ, đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Tp.Cần Thơ cho biết, địa phương có 1.167 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tính đến hết tháng 7/2021, chỉ có 197 doanh nghiệp duy trì hoạt động, có đến hơn 83,1% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, Khu Công nghiệp Trà Nóc, Tp.Cần Thơ cho biết: “Đối với việc tái khởi động sản xuất, doanh nghiệp rất phấn khởi, nhưng chúng tôi rất lo lắng. Tỉ lệ lao động được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 còn thấp và đây là rủi ro rất lớn khi doanh nghiệp hoạt động lại”.

Hiện, công ty này không thiếu đơn hàng, chỉ thiếu công nhân lao động vì điều kiện ràng buộc là phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin mới được đi làm lại. “Trong tổng số 1.270 lao động tại công ty, hiện mới có 660 lao động được tiêm vắc-xin, trong đó có 200 người đã tiêm đủ 2 mũi. Việc hoạt động trở lại với 50% công nhân chắc chắn sẽ khiến chi phí tăng lên nhưng vẫn phải làm để duy trì đơn hàng”, ông Gia nói.

Số lượng doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện "3 tại chỗ" không nhiều do gánh nặng chi phí.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa tiến hành khảo sát các doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để nắm bắt được thông tin về tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong vùng hiện nay.

Theo VCCI Cần Thơ, các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không đủ điều kiện để thực hiện yêu cầu làm việc “3 tại chỗ” khiến nhiều lao động bị mất việc làm, hoặc tạm ngưng hợp đồng. Còn đối với những doanh nghiệp duy trì hoạt động thì đang gồng gánh chi phí gia tăng đáng kể để sản xuất.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của VCCI, tỉ lệ công nhân và người lao động được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các doanh nghiệp trong vùng rất thấp. Áp lực tiêm phải vắc-xin cho người lao động để đủ điều kiện đi làm đang đè lên vai tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành liên quan đến mùa vụ đang sản xuất, nợ hợp đồng hay vận tải, logistics,…

Chi phí sản xuất tăng cao, doanh nghiệp “đuối sức”

Chỉ riêng tại tỉnh Vĩnh Long, tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có 3.263 doanh nghiệp duy trì hoạt động trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Đến ngày 25/9, toàn tỉnh Vĩnh Long có 40/46 doanh nghiệp trong khu-tuyến công nghiệp hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và ”2 tại chỗ- vùng xanh” với khoảng 7.278 lao động, chiếm 87% số doanh nghiệp và 16% số lao động.

Có 84 doanh nghiệp ngoài các khu-tuyến công nghiệp hoạt động theo các phương án “3 tại chỗ” và “2 tại chỗ- vùng xanh” hoặc kết hợp cả 2 phương án.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Chi phí thực hiện phương án “3 tại chỗ” lớn, hoạt động sản xuất phải ngừng trệ nên phải tạm dừng một số công đoạn trong sản xuất tại nhà máy.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động bị thiếu hụt, năng suất lao động không cao; việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động còn hạn chế.

Một khó khăn khác đối với doanh nghiệp là nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng trong lúc kinh phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao.

Việc thu hút đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của tỉnh Vĩnh Long giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 24/9, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 56 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long chỉ ra, trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Long tuy đạt năng suất, sản lượng khá nhưng một số mặt hàng có giá bán thấp, khó tiêu thụ.

Sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh khi tổng sản phẩm quý 3/2021 giảm 36,77% đã tác động đến 9 tháng của năm 2021, giảm 4,53%. Thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn, ăn uống chịu tác động, ảnh hưởng đến phát triển chung.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã giảm tại nhiều tỉnh miền Tây do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Còn theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 3/2021 giảm hơn 13%. Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 của Tiền Giang giảm 1,7% so cùng kỳ… Một trong những điểm đáng chú ý là chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 9 năm 2021 giảm gần 13%.

Trong khi báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 373 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 2.682 tỷ đồng, giảm hơn 27% về số doanh nghiệp và giảm 4,1% về vốn đăng ký so cùng kỳ, đạt hơn 52% kế hoạch. Số hộ kinh doanh thành lập mới cũng ở mức 2.340 hộ kinh doanh, giảm gần 31% so cùng kỳ 2020.

Cần đồng bộ, quyết liệt trong các giải pháp đề ra

Đối mặt với nhiều thách thức để khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp, hướng đi cần thiết.

Tại tỉnh Cà Mau, nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh của huyện Ðầm Dơi nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên địa bàn. Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND huyện Đầm Dơi đã ưu tiên thực hiện test nhanh Covid-19 cho các đội kéo tôm để chủ động trong việc thu hoạch tôm cho người nuôi tôm siêu thâm canh. Hướng dẫn ngay và đầy đủ các thủ tục sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” cho 2 cơ sở chế biến thuỷ sản và 9 cơ sở sơ chế. Ðến nay, có 5 cơ sở đã xây dựng kế hoạch sản xuất và đã phục hồi sản xuất.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 9 vào ngày 1/10, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Những tháng còn lại của năm 2021, cần xác định công tác phòng chống dịch là bắt buộc và phát triển kinh tế là hết sức cần thiết. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trên tinh thần kế hoạch đã có gắn với tình hình thực tế, từ đó có giải pháp cụ thể. Đồng thời đưa ra các yêu cầu cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển đã đề ra”.

Tỉ lệ người lao động đã tiêm vắc-xin còn thấp khiến doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.Cần Thơ cho biết: “Để mở cửa an toàn, từng địa phương cần có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, nhưng phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở mục tiêu chung. Cần tiếp cận vùng, liên vùng, có kiểm tra để chấn chỉnh cái chưa phù hợp”.

Để đạt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể trong các tháng còn lại của năm là thách thức rất lớn.

Một trong những giải pháp ưu tiên để khôi phục sản xuất ở thời điểm hiện tại là tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động. Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.

“Cần bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu”, báo cáo VCCI chi nhánh Cần Thơ nêu.

Các doanh nghiệp cho rằng, họ cần sự linh hoạt, đồng bộ cũng như một chiến lược lâu dài kết hợp giữa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh cùng với các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả. Cùng với đó là sự liên kết của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tp.Hồ Chí Minh trong các chính sách vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/can-lien-ket-de-tai-khoi-dong-kinh-te-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-a529520.html

Bạn đang đọc bài viết Cần liên kết để tái khởi động kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp