Tencent rơi vào "khủng hoảng" khi liên tiếp "bay vốn"
Theo thống kê của Boomberg, trong số 10 cổ phiếu mất nhiều vốn hoá nhất của tháng 7 trên thế giới, có tới 9 cổ phiếu là doanh nghiệp Trung Quốc, với những cái tên như Meituan và Alibaba. |
Một sự kiện chấn động vừa mới xảy ra ở đất nước tỷ dân, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent có 1 pha "bay màu" 10% sau khi một bài báo trên phương tiện truyền thông nhà nước mô tả trò chơi trực tuyến là "Thuốc phiện tinh thần" đối với người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Trong thời gian đầu giao dịch, ước tính Tencent đã "đánh rơi" gần 60 tỷ USD trong giá trị vốn hóa thị trường.
Để xử lý khủng hoảng, Tencent đã ra thông báo cho biết, họ sẽ hạn chế quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào trò chơi điện tử trực tuyến "Honour of Kings" hàng đầu của mình.
Được biết, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường các quy định liên quan đến trò chơi trực tuyến và giáo dục để bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định cấm dạy thêm dẫu biết rằng thị trường dạy thêm tư nhân của nước này trị giá 120 tỷ USD.
Cuộc "trấn áp" chưa từng có của Trung Quốc với ngành công nghệ đã khiến Tencent trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất thế giới. Chỉ trong 30 ngày, vốn hóa của Tencent đã bốc hơi 170 tỷ USD.
Tencent cũng thông báo tạm ngừng đăng ký người dùng mới của WeChat và được lệnh phải khắc phục những sự cố liên quan đến ứng dụng dành cho thiết bị di động.
Trong một tuyên bố, Tencent nêu rõ: "Chúng tôi hiện đang nâng cấp công nghệ bảo mật của mình để phù hợp với tất cả các luật và quy định liên quan".
"Tử huyệt" của nền kinh tế công nghệ số Trung Quốc
Trụ sở chính của Tencent trị giá 600 triệu USD ở Thâm Quyến, Trung Quốc. |
Thành lập vào năm 1998, Tencent hiện có giá trị hơn hơn 685 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, cao gấp gần 10 lần giá trị ước tính của Bytedance.
Không chỉ là tập đoàn Internet mạnh nhất ở Trung Quốc sau Alibaba, Tencent còn là "mãnh hổ" của nền kinh tế kỹ thuật số nhờ WeChat với hơn 1 tỷ người dùng. Bên cạnh đó, Tencent còn là chủ sở hữu của Riot Games (nhà phát triển Liên Minh Huyền Thoại), cổ đông lớn của Epic Games (nhà phát triển của công nghệ Unreal Engine), và là chủ sở hữu của Supercell (cha đẻ của Clash of Clans).
Đài truyền hình CNN ghi nhận, Tencent thuộc diện tập đoàn công nghệ có giá nhất thế giới với giá trị trên thị trường chứng khoán cao hơn 2 lần so với giá trị của tập đoàn Netflix đến từ Mỹ.
Từ năm 2006 đến nay, ngoài việc đầu tư vào 700 công ty trên toàn cầu, Tencent liên tiếp mở cuộc săn các công ty game ở nước ngoài. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2019, Tencent đã liên tiếp rót vốn vào Epic Games, Activision Blizzard, Supercell, Blue Hole Studio, Sharkmob, Funcom và các nhà sản xuất game nổi tiếng trong và ngoài nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Tencent đã thực hiện thành công ít nhất 51 thương vụ M&A (Mergers and Acquisitions) với mục tiêu đầu tư vào hơn 14 quốc gia và khu vực ở châu Á, châu Âu, Mỹ (bao gồm công nghệ cơ bản, phát triển trò chơi, phân phối kênh và các cộng đồng trò chơi).
Ở diễn biến mới, Trung Quốc đang siết chặt chính sách về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Nước này chuẩn bị ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân, trong đó kêu gọi các nền tảng công nghệ áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trong việc lưu trữ dữ liệu người dùng. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến việc chính quyền mở rộng chiến dịch rà soát, lập lại trật tự trong ngành công nghệ tài chính (Fintech).
Vào tháng 3/2021, Tencent cùng 11 tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã bị Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) xử phạt 77.000 USD vì liên quan đến 10 thương vụ thể hiện hành vi độc quyền bất hợp pháp.
Vào đầu năm nay, cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc đã đưa ra án phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba vì tham gia vào hành vi chống cạnh tranh sau khi thất bại trong vụ IPO công ty con Ant Group.
Theo Người đưa tin