Tiềm lực kỳ lân công nghệ Việt VNG - ông chủ mạng xã hội Zalo

NHVN 11:46 16/08/2021

VNG - kỳ lân công nghệ Việt Nam gắn liền với tên tuổi ông Lê Hồng Minh đang lên kế hoạch niêm yết tại Mỹ với định giá lên tới 2-3 tỷ USD.

Mới đây, thông tin công ty Cổ phần VNG đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC được đăng tải trên Bloomberg gây chú ý với giới đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Bloomberg, công ty công nghệ và trò chơi trực tuyến Việt Nam - VNG đang làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức các cuộc thảo luận với các công ty SPAC (công ty rỗng - shell company, được thành lập với mục đích đặc biệt). Nguồn tin giấu tên của Bloomberg tiết lộ, giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.

Tuy vậy, đại diện của VNG cho biết không có quyết định nào về IPO hoặc SPAC đã được đưa ra hoặc thông qua, đồng thời từ chối bình luận.

Võ Lâm Truyền Kỳ - Game Online tạo lên thương hiệu cho VNG.

“Kỳ lân” công nghệ

Về VNG, công ty này được thành lập năm 2004, thành danh với tư cách một công ty trò chơi trực tuyến hàng đầu cả nước. Công ty phát triển thần tốc và xuất bản các tựa game của riêng mình cũng như phân phối các “bom tấn” quốc tế như PUBG Mobile. Các sản phẩm của kỳ lân công nghệ này đạt hơn 80 triệu người dùng.

Sau 17 năm hoạt động, VNG là 1 trong 2 doanh nghiệp start-up kỳ lân (unicorn) tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỷ USD. VNG đặt kế hoạch đạt 320 triệu người dùng toàn cầu vào năm 2023.

Quá trình hoạt động, VNG còn đa dạng hóa sang lĩnh vực điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán kỹ thuật số và truyền thông, đồng thời xây dựng một trong những cơ sở người dùng kỹ thuật số lớn nhất ở Việt Nam.

Hiện tại, VNG đang sở hữu mạng lưới gồm nền tảng Zalo (có lượng người dùng hoạt động thuộc hàng lớn nhất Việt Nam), ví điện tử ZaloPay, dịch vụ đám mây (VNG Cloud),.. Ngoài ra, VNG cũng đầu tư vào nhiều công ty công nghệ khác như Tiki, Ecotruck, FPT Online…

Theo báo cáo thường niên 2020, vốn điều lệ của VNG đạt 353 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG vào cuối năm 2020 là 48,08% và các cổ đông nội sở hữu 31,78% cổ phần.

Về phía cổ đông nội, ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 9,99% cổ phần VNG, trong khi ông Vương Quang Khải - Phó Tổng Giám đốc thường trực cấp cao nắm 3,2%.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu của VNG tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Nguồn thu chính của VNG đến từ game và quảng cáo.


Năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa, còn mức 261 tỷ đồng. Con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua.

Sang nửa đầu năm 2021, VNG đạt hơn 3.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%.


Theo kế hoạch năm nay, VNG muốn đạt doanh thu hơn 7.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến âm gần 620 tỷ đồng do chiến lược tiếp tục dồn lực cho thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của VNG ghi nhận mức gần 8.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn là 4.945 tỷ đồng, chiếm 59% cơ cấu. Vốn chủ sở hữu của công ty 6.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.656 tỷ đồng.

Đáng chú ý lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty tiếp tục tăng hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 4.945 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý II/2021.

Trong nửa cuối năm 2021, VNG sẽ thực hiện việc bán ra hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong nước. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được công ty mua vào cách đây 10 năm. Đặc biệt, cổ đông ngoại Tencent vẫn đang sở hữu quyền mua 1,033 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG (tương ứng 2,88% vốn cổ phần) cho đến hết năm 2021.

Giao dịch bán cổ phiếu quỹ tới đây có thể cung cấp thêm thông tin về mức định giá của VNG, bao gồm cả việc số cổ phiếu lưu hành tăng lên hơn 35,8 triệu đơn vị.

VNG đang sở hữu nền tảng Zalo có lượng người dùng hoạt động thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.


Hai cuộc chơi mạo hiểm

Theo báo cáo thường niên 2020, VNG đang đầu tư 20 công ty thành viên. Trong đó, có hai cuộc chơi được đánh giá là có tính mạo hiểm cao khi VNG tham gia đầu tư.

Một là khoản đầu tư vào công ty Cổ phần Ti Ki, doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử Tiki. Sàn thương mại điện tử Tiki hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ 2 ông lớn tầm khu vực là Shopee (thuộc Sea) và Lazada (thuộc Alibaba).

VNG bắt đầu rót vốn vào Tiki kể từ tháng 2/2016. Khoản đầu tư của VNG vào Tiki hơn 506,2 tỷ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ từ tháng 6/2019. Sang năm 2020, khoản lỗ này tiếp tục tăng thêm 3,8 tỷ đồng. Tính tới hết tháng 12/2020, VNG sở hữu khoảng 22,2% cổ phần tại Tiki, lỗ luỹ kế của khoản đầu tư là 510 tỷ đồng.

Theo thống kê của cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tiki hiện là sàn thương mại điện tử có lượng truy cập đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á; xếp thứ 4 tại Việt Nam sau Shopee, Lazada và Thế Giới Di Động.

Trong những năm gần đây, Tiki phải xoay sở với việc gọi vốn và hiện đã chuyển phần lớn cổ phần sang công ty holding tại Singapore để thực hiện kế hoạch của mình.

Thứ 2 là khoản đầu tư của VNG vào công ty Cổ phần Zion (dịch vụ trung gian tài chính với ví điện tử Zalo Pay) với tổng giá trị 1.224 tỷ đồng cũng ngày càng lỗ nặng. Năm ngoái, Zion lỗ hơn 666 tỷ đồng và được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/tiem-luc-ky-lan-cong-nghe-viet-vng-ong-chu-mang-xa-hoi-zalo-a524220.html

Bạn đang đọc bài viết Tiềm lực kỳ lân công nghệ Việt VNG - ông chủ mạng xã hội Zalo tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp