Ngân hàng tích cực triển khai chủ trương giảm lãi suất

Thảo Nguyên 10:58 24/07/2023

Một loạt ngân hàng đã công bố giảm thêm lãi suất huy động và rục rịch giảm lãi vay. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Lãi suất liên tục đi xuống

4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,5% đến 1% với tất cả kỳ hạn. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy và online tại nhóm "Big 4" hiện chỉ còn 6,3%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, đã giảm hơn 0,5-0,7 % so với tháng 5.

Ảnh minh hoạ

Với các khoản tiền gửi ngắn hạn hơn, khách hàng gửi 1 tháng chỉ còn được trả 3,4% khi giao dịch tại quầy và khoảng 4% nếu gửi trực tuyến. Mức lãi suất tiền gửi 3 tháng xoay quanh 4,1-4,5% một năm. Còn mức lãi suất gửi 6 hoặc 9 tháng là 5-5,5% một năm.

Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm hầu như không còn.

Hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất huy động giảm sâu.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm cho toàn ngành là 14-15%. Tháng 2/2023, NHNN đã giao room tín dụng cho NHTM cả nước là 11%. Dù vậy, đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, dư địa và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng vẫn rất dồi dào”- ông Tú nhấn mạnh.

Kích cầu tín dụng, lãi suất cho vay xuống 10%

Hiện nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân mới tăng trưởng được khoảng 50% room tín dụng được phép. Còn nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước mới đạt khoảng 35% so với hạn mức được giao. Cho vay tăng trưởng thấp nên nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh chương trình giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.

Trên thị trường đã xuất hiện mức lãi suất cho vay khá thấp. Đơn cử, lãi suất vay mua nhà đất ở BIDV là 8,7%/năm, cố định trong 12 tháng, sau đó bằng lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng với biên độ 4,5%. Lãi suất vay kinh doanh kỳ hạn dưới 6 tháng là 7,3%/năm, kỳ hạn từ 6-12 tháng là 8,3%/năm. So với tháng 11/2022, lãi suất vay mua nhà và vay sản xuất kinh doanh ở ngân hàng này giảm 1,8%/năm.

MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm…

Tuy nhiên theo tìm hiểu, đây chỉ là lãi suất thời gian đầu để kích khách hàng. Mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ áp dụng trong 3 - 6 tháng, cao nhất là 1 năm. Sau đó, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12 – 13,5%. Dù vậy, lãi suất cho vay cũng đã giảm hơn so với trước.

Lãi suất cho vay của VPBank là 11,8%/năm trong năm đầu (giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2022), lãi suất vay sau ưu đãi là 14%/năm (giảm khoảng 2%); VIB cho vay 9,9%/năm trong năm đầu, sau ưu đãi là 13,4%/năm (mức lãi suất trước đây là 13,9% áp dụng suốt thời gian vay); của OCB là 10,5%/năm trong năm đầu tiên (giảm 4,5%/năm), sau ưu đãi là 14,2%/năm (giảm 2,2%/năm).

Dù lãi suất giảm, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng và đề xuất cắt giảm điều kiện vay vốn với một số nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Bên cạnh đó, hạn mức cho vay, định giá tài sản thế chấp đối với khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang thấp hơn trước. Chẳng hạn như căn hộ giá 2 tỷ đồng thì mức cho vay trước đây là 1,4 tỷ đồng nhưng hiện nay chỉ là 1 tỷ triệu đồng, giảm 400 triệu đồng.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng luôn định giá tài sản thế chấp theo tình hình thị trường. Tùy theo loại tài sản mà ngân hàng có cách định giá cao, thấp khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động, giá bất động sản vẫn đang giảm, với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, doanh thu giảm… nếu hạn mức cho vay vẫn như trước kia thì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro. Bằng chứng là nợ xấu tiềm ẩn của một số ngân hàng đã có biểu hiện tăng nhanh.

Trong buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và cho biết dù các ngân hàng thương mại không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng để cùng tìm giải pháp tiết giảm chi phí, hướng tới việc giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay theo định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ. “Việc làm sao đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. NHNN sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra các NHTM về điều kiện, thủ tục giải ngân vốn, sẽ yêu cầu cắt bỏ các thủ tục gây phiền hà (nếu có)"- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

NHNN cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực... Tất nhiên, tín dụng bất động sản thời gian tới sẽ không còn dễ dãi mà sẽ được được giám sát chặt để “nắn” vào các phân khúc ưu tiên, tránh tình trạng bong bóng thời gian qua. (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu)

Link gốc : https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-tich-cuc-trien-khai-chu-truong-giam-lai-suat.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng tích cực triển khai chủ trương giảm lãi suất tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết