Không thể “mở van” quá rộng với trái phiếu doanh nghiệp

Ngọc Khanh 18:33 05/04/2023

Các chuyên gia ngân hàng cảnh báo, NHNN không thể quá "mở" cho các NHTM tham gia giải cứu trái phiếu.

Ngay sau khi Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được NHNN công bố và lấy ý kiến, đã xuất hiện những quan điểm trái chiều từ giới chuyên gia. Một số ý kiến cho rằng các nội dung sửa đổi đã “mở van” cho ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh khoản thị trường trái phiếu, song chưa có tác động trực tiếp để giải quyết bài toán đáo hạn nợ TPDN. Tuy nhiên theo quan điểm từ các chuyên gia ngân hàng, các giải pháp mà ngành Ngân hàng đang triển khai hiện nay là đủ liều lượng để vừa hỗ trợ, vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro tiềm ẩn trên thị trường.

Cân đối giữa hỗ trợ và kiểm soát rủi ro

Đánh giá về những điểm tích cực nhất của dự thảo sửa đổi Thông tư 16, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings cho rằng, quy định cho phép TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra, là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các TCTD. Trong bối cảnh các trái chủ yêu cầu tất toán trước hạn, mà tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại, nếu theo quy định cũ thì TCTD không thể trực tiếp mua lại số trái phiếu này từ phía trái chủ. Tuy nhiên với quy định mới, điều này là được phép thực hiện cho đến trước ngày 31/12/2023.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đã hé cửa đủ rộng cho NHTM hỗ trợ thị trường TPDN.

Việc mở ra khả năng cho các TCTD được mua lại trái phiếu do chính họ đã phân phối trước đó (cùng với các điều kiện cụ thể về chất lượng của trái phiếu) đã tháo gỡ áp lực mà một số TCTD đang gặp phải. Quy định này chỉ áp dụng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 để hỗ trợ thanh khoản của thị trường trước áp lực đáo hạn hoặc yêu cầu tất toán trước hạn cận kề; sau đó, sẽ quay trở lại như cũ để đảm bảo kiểm soát rủi ro trong quá trình TCTD mua, bán TPDN.

Dự thảo Thông tư sửa đổi cũng cho phép TCTD mua TPDN phát hành trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, tuy nhiên TCTD phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định: “TCTD chỉ được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động tương ứng với giá trị trái phiếu theo các vòng quay vốn lưu động trong thời gian nắm giữ TPDN”.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 không cho phép các TCTD mua TPDN để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành chưa giải quyết được nhu cầu quan trọng nhất đối với vấn đề nợ trái phiếu đến hạn là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ. Các chuyên gia ngân hàng nhận định, điều này cho thấy NHNN đã phải cân đối giữa cả hai yếu tố là hỗ trợ thị trường và kiểm soát rủi ro thị trường. Trong bối cảnh hiện tại thì đây là giải pháp khả thi nhất mà cơ quan điều hành có thể thực hiện.

Cần tập trung vào các giải pháp dài hơi

Theo các chuyên gia tài chính và nhiều doanh nghiệp bất động sản, thị trường vẫn thiếu dòng “tiền tươi”. Các giải pháp giãn, hoãn chỉ có thể giảm bớt áp lực đáo hạn TPDN trong ngắn hạn. Theo đó Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu nợ đến 2 năm, song giải pháp này được thực hiện trên cơ sở tổ chức phát hành tự tìm các giải pháp hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác, hoặc đàm phán kéo dài thời hạn trả nợ với trái chủ. Nghị định 08 không đề cập tới phương án doanh nghiệp vay tiền từ các NHTM để trả nợ trái phiếu.

Các chuyên gia ngân hàng cũng cảnh báo, NHNN không thể quá "mở" cho các NHTM tham gia giải cứu trái phiếu. Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đã hé cửa đủ rộng cho NHTM hỗ trợ thị trường TPDN, song cũng đi kèm các quy định khắt khe hơn về giám sát dòng tiền, chất lượng trái phiếu (TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 5 lần).

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, không nên sử dụng nguồn lực của các NHTM để giải quyết vấn đề này. Làm như vậy sẽ dẫn tới việc ngân hàng dùng tiền gửi của dân để rót vào những sản phẩm đang tiềm ẩn rủi ro rất cao là trái phiếu đến hạn. Nếu sử dụng phương án NHTM tham gia giải cứu trái phiếu, nhiều khả năng sẽ dẫn tới thất bại như trường hợp mà Trung Quốc đang áp dụng. Theo đó, Chính phủ nước này không trực tiếp mua lại trái phiếu mà giao cho các tập đoàn bất động sản lớn mạnh mua lại dự án của các tập đoàn yếu kém. Kết quả là sau khi được chuyển giao vào các “tay to” này, tài sản là bất động sản vẫn không có thanh khoản do không khớp với nhu cầu của thị trường. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc phải tiếp tục tìm giải pháp khác để hỗ trợ các doanh nghiệp tốt đã nhận chuyển giao tài sản từ các doanh nghiệp xấu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu cần giải pháp mạnh tay hơn, thì nên sử dụng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước như kinh nghiệm mà Hàn Quốc đang thực hiện. Theo đó Chính phủ nước này thành lập một quỹ giải cứu thị trường bất động sản có quy mô 42 tỷ USD, kích hoạt tháng 12/2022. Quỹ này đứng ra mua TPDN có tài sản đảm bảo để tạo lòng tin vững chắc cho nhà đầu tư. Ông Nghĩa nhấn mạnh, các ví dụ thực tiễn đó cho thấy để giải quyết nhanh và tận gốc khủng hoảng trên thị trường TPDN thì cần có sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn tiền ngân sách; kể cả đưa các NHTM vào cuộc thì cũng cần có sự hỗ trợ từ ngân sách. Còn trong bối cảnh hiện nay, ngành Ngân hàng đang tập trung nguồn lực để đáp ứng cho phân khúc nhà ở giá rẻ, kéo giá toàn bộ thị trường bất động sản đi xuống, là giải pháp dài hơi và phù hợp.

Một giải pháp khác được TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị là Chính phủ có thể phát hành trái phiếu hoán đổi với nhà đầu tư và giao cho các cơ quan chuyên về xử lý nợ xấu như VAMC, DATC đứng ra thực hiện. Theo đó các đơn vị này đứng ra bảo lãnh, nhận tài sản đảm bảo để xử lý. Nếu thực hiện theo giải pháp này, các cơ quan chuyên về xử lý nợ xấu cũng sẽ cơ cấu lại giá trị của tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) về sát giá trị thật, chứ không thể duy trì ở mức cao do yếu tố đầu cơ như các tổ chức phát hành TPDN đang kỳ vọng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/khong-the-mo-van-qua-rong-voi-trai-phieu-doanh-nghiep-137898.html

Bạn đang đọc bài viết Không thể “mở van” quá rộng với trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ