Thông tin tại Hội nghị cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo trên toàn quốc đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Trong đó, theo mục đích vay vốn: Dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ, chiếm 24,07%; Dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; Dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.
Mặc dù vậy, thông tin tại Hội nghị cho biết, do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, lưu thông, sản xuất - chế biến và xuất khẩu gạo.
Các thương lái và phương tiện gặt đập liên hợp ngoài tỉnh bị hạn chế vào địa bàn, trong khi vụ lúa Hè thu đã và đang vào thu hoạch, người dân tạm dừng hoặc không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng trọt.
Việc lưu thông hàng hóa của khách hàng còn gặp rất nhiều khó khăn: Các hộ nông dân thu hoạch thì không tiêu thụ được do không tiếp xúc được với thương lái mua; thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/Container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo, lúa. Khó khăn nhất về thu mua lúa cho nông dân lúc này là khâu vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy...
Theo đó, các kiến nghị đến từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện nay không có kiến nghị liên quan đến vốn tín dụng mà chỉ có kiến nghị liên quan đến khâu lưu thông hàng hóa và kiểm soát giãn cách xã hội. Đồng thời, xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Về định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, do vậy, ngành ngân hàng luôn quan tâm đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này.
Nhận thức vai trò, ý nghĩa, đóng góp quan trọng của ngành lúa gạo với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ triển khai một số giải pháp.
Một là, tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Hai là, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Tổ chức triển khai chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Ba là, thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5901, 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021.
Bốn là, linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Năm là, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng;
Sáu là, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.
Bảy là, phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các chính sách, sản phẩm tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo Kinh tế chứng khoán