Hiện nay, đơn giản hóa thủ tục và tích cực cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp đang là những nỗ lực mà Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương hướng tới; đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó Việt Nam đã và đang kí kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do.
Theo Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa; ngoài ra, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, tổng chi phí xã hội cũng đã tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ước tính hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng đang nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng cải cách thủ tục hành chính, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc công khai các quy định hành chính, thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của một số bộ, ngành, địa phương hay cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện chưa được thực hiện đầy đủ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.
Trao đổi về vấn đề trên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, then chốt vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Trong nhiều năm qua, cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế hơn, song hơn một năm nay trở lại đây, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam tiến vào nhóm 3, nhóm 4 trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang lỡ hẹn.
Vì vậy tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết. Trong đó, thúc đẩy việc cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và những rào cản điều kiện kinh doanh đang "áp đặt" doanh nghiệp cũng là mục tiêu cần phải hoàn thành sớm, hoàn thành ngay để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lộc cũng thẳng thắn nhận định, tiến trình cải cách thủ tục hành chính chưa được triển khai đồng đều, nhất quán giữa các bộ, ngành hay giữa Trung ương tới cơ sở các cấp ở từng địa phương.
Tình trạng "trên nóng dưới lạnh", "trên thúc giục, dưới bình chân" vẫn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, những nỗ lực đổi mới, cải cách thể chế và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tiến hành mới chỉ hướng tới việc điều chỉnh chính sách pháp luật sao cho không trái với các cam kết và thông lệ quốc tế; chứ chưa tính tới việc chủ động cải cách, quyết liệt cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời cho phép tận dụng tối đa lợi ích từ cam kết theo hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Vì vậy ông Lộc cho rằng, cải cách cần phải thực chất hơn nữa; việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính hay mạnh dạn cắt bỏ các điều kiện kinh doanh cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững mà lâu nay Việt Nam đang hướng tới…