Thách thức nền kinh tế dưới góc nhìn chuyên gia

VIETQ 07:23 02/10/2020

Chuyên gia giúp nhận diện thách thức trong phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Theo thông tin công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2020, GDP cả nước tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng là thành công lớn của nước ta, trên bình diện quốc tế. Nhiều lĩnh vực là điểm sáng của nền kinh tế khi tăng trưởng dương, trong bối cảnh tác động tiêu cực đa chiều.

Cùng với đó, cách đây chưa lâu, sau khi số liệu tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm được công bố với những tín hiệu tích cực, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)… cũng nhận định, duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đương ở quý III, quý IV, Việt Nam chắc chắn lọt top 10, thậm chí top 5 tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới. Con số 2,12% tăng trưởng GDP của quý III đang góp phần sáng tỏ nhận định này. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tình hình kinh tế xã hội trong nước đang toàn điểm sáng.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Duy Bình khuyến nghị, với xu thế này, Việt Nam kì vọng năm 2021 sẽ có kịch bản tăng trưởng tốt hơn nhiều năm 2020. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đầy đủ, Việt Nam là nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, nên con số chưa đủ để Việt Nam có thể tạo đột phá trong dài hạn để có vị thế kinh tế cao hơn. Sẽ còn nhiều nỗ lực cần thực hiện, còn nhiều rủi ro với nền kinh tế, còn nhiều việc phải làm trong 3 tháng cuối năm cũng như chuẩn bị cho năm 2021.

“Nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, sức mua của người dân chưa được phục hồi do thu nhập bị mất, ảnh hưởng của dịch nên cần tìm những động lực tăng trưởng mới; cần tìm kiếm các cơ hội của thị trường từ Hiệp định CPTPP, EVFTA… để khắc phục các điểm yếu gặp phải trong thời gian qua. Cũng cần nhìn nhận đáng mừng là xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu các thiết bị phục vụ sản xuất có phần suy giảm, điều này có thể gây rủi ro làm ảnh hưởng năng lực xuất khẩu của chúng ta trong năm 2021”, TS. Lê Duy Bình lưu ý.

Bên cạnh đó, để kinh tế xã hội quý IV và cả năm nay đạt hiệu quả tích cực hơn, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một số giải pháp, cụ thể như sau: Cần có các gói hỗ trợ cần kíp đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vận động người dân ủng hộ doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Hai là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ba là điều chỉnh phương án cơ cấu sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường. Bốn là kích cầu đầu tư, tận dụng cơ hội từ EVFTA, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước có đủ năng lực sản xuất. Năm là điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, hài hòa với các chính sách khác. Sau cùng là tiếp tục theo dõi cảnh báo thiên tai, hạn chế thiệt hại, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Các chuyên gia nhận định, dù 9 tháng qua kinh tế xã hội Việt Nam đã có những kết quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tuy nhiên chúng ta vẫn cần nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, trong đó cần thực hiện quyết liệt những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường…

Bạn đang đọc bài viết Thách thức nền kinh tế dưới góc nhìn chuyên gia tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Cổ phiếu HSBC Holdings đã giảm xuống mức thấp nhất của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ do áp lực gia tăng trên một số mặt trận, bao gồm căng thẳng chính trị ở Hồng Kông...