Trong báo cáo chiến lược mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặc dù kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát vào năm 2022 ở mức 3,8%, nhưng rủi ro lạm phát ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn do giá dầu tăng cao gần đây.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2022 với mức tăng hơn 20% so với đầu năm, chủ yếu do lo ngại về tồn kho và rủi ro địa chính trị liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine. Trong thời gian tới, giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm tăng lạm phát, điều này có thể làm xói mòn sự phục hồi kinh tế.
Lạm phát tiếp tục tăng cao hơn trong tháng 1 ở mức 1,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,8% trong tháng trước đó. Tính theo tháng, lạm phát của Việt Nam tăng 0,2% vào tháng 1, sau khi giảm 0,2% vào tháng 12.
Trong số 11 mặt hàng trong rổ tính lạm phát, lạm phát của tháng 1 được thúc đẩy bởi mức tăng nhanh hơn của mặt hàng Đồ uống và Thuốc lá, Quần áo và Giày dép, Thiết bị gia dụng cũng như Giao thông.
Mức tăng trưởng cao nhất là nhóm Giao thông với mức tăng lần lượt là 14,5% so với cùng kỳ và 1,2% so với tháng trước.
Điểm lại tình hình kinh tế tháng vừa qua, sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI tăng trở lại phản ánh sự tiếp tục cải thiện trong các hoạt động sản xuất.
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 2,4% so với cùng kỳ (nhưng giảm 3,1% so với tháng trước) vào tháng 1 năm 2022. Mức này thấp hơn mức tăng 8,7% của tháng 12, nhưng VDSC cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm lại phản ánh tính vụ mùa do các hoạt động thường có xu hướng chững lại trước Tết Nguyên đán trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2.
Mặt khác, PMI của Việt Nam tăng 1,2 điểm lên 53,7 vào tháng 1 năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2021. PMI tăng trong tháng 1 nhờ đóng góp chủ yếu của việc sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Đáng chú ý, đơn hàng mới từ nước ngoài tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018, cho thấy triển vọng xuất khẩu thuận lợi ngay từ tháng đầu tiên của năm.
Doanh số bán lẻ trong tháng 1 tăng lên cho thấy sự phục hồi dần dần đối với lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam. Vào tháng 1 năm 2022, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 1,3% so với cùng kỳ sau khi có khoảng thời gian sụt giảm tệ nhất vào giai đoạn tháng 8 - tháng 12 năm ngoái.
Theo phân khúc, chỉ số bán lẻ được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ hàng hóa (thực phẩm (+12,8% so với cùng kỳ) và phương tiện đi lại (+4,3% so với cùng kỳ). Ngược lại, doanh thu bán lẻ dịch vụ khách sạn và du lịch giảm lần lượt 12,0% và 35,7% so với cùng kỳ trong tháng 1/2022. Trong thời gian tới, hoạt động bán lẻ sẽ được hỗ trợ từ việc cắt giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và nhu cầu trong nước dần phục hồi.